Châu Phi đang trở nên "hấp dẫn" đối với nhiều nhà đầu tư, do sở hữu rất nhiều kim loại quý hiếm như coban, titan, ziriconi. Theo ước tính, giá trị thị trường của những kim loại quý này lên tới 1,4 tỷ USD/năm và có thể sẽ tăng lên 3 tỷ USD vào năm 2015.
Trên thực tế, kim loại quý hiếm được đánh giá cao vì có vai trò quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn. Chúng được sử dụng trong các ổ đĩa cứng của các máy vi tính, động cơ điện, màn hình tia X, thậm chí là ở trong tên lửa. Theo các chuyên gia, 25% công nghệ mới cần những loại kim loại quý hiếm này.
Trong thời điểm hiện nay, châu Phi đang nắm giữ một vị thế chiến lược so với Trung Quốc, khi quốc gia sở hữu hàng chục kim loại quý hiếm này dường như muốn sử dụng nguồn tài nguyên của mình như một vũ khí, để củng cố ưu thế công nghiệp. Trước nhu cầu kim loại ngày càng tăng, nguồn cung khó khăn, cộng thêm việc Trung Quốc giảm xuất khẩu, "lục địa đen" đang giành được lợi thế trên thị trường kim loại quý.
Ý thức được rủi ro thiếu nguyên liệu đang đe dọa đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, châu Âu đã đưa ra một bản danh sách gồm 17 khoáng sản mang tính chất "sống còn" đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong cuộc gặp với Liên minh châu Phi (AU) ngày 8/6/2010, Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất thực hiện đầu tư vào hạ tầng, nhất là các khu mỏ ở châu Phi, nhằm đảm bảo tiếp cận các nguồn khoáng sản quý hiếm.
Hiện sản lượng coban của châu Phi chiếm 40% nhu cầu thế giới và chỉ riêng Cộng hòa Dân chủ Côngô nắm giữ tới 60% trữ lượng côban toàn cầu, đứng thứ 2 và thứ 3 là Dămbia và Uganđa. Kim loại quý đang đóng một vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Phi, vốn mong muốn tăng giá trị nguồn khoáng sản của mình và mở ra những triển vọng kinh tế mới.
Thanh Bình