Dưới sự giám sát của nền tảng Excalate4Cov được Ủy ban châu Âu (EC) hỗ trợ, dự án trên khai thác các siêu máy tính của Tập đoàn điện toán Cineca và Tập đoàn năng lượng ENI (đều của Italy), thông qua thử nghiệm 70 tỷ phân tử và đánh giá 1.000 tỷ tương tác. Nhà khoa học Andrea Beccari, trưởng nhóm dự án, chia sẻ: "Chúng tôi đã đạt tới mục tiêu mới là 5 triệu phân tử mô phỏng mỗi giây, nhiều hơn gấp 300 lần và nhanh hơn 500 lần so với thử nghiệm tiến hành tại Mỹ hồi tháng 6".
Nền tảng Excalate4Cov có nhiệm vụ điều phối hợp tác giữa các trung tâm siêu máy tính ở Italy, Đức và Tây Ban Nha với các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu, bao gồm Đại học công giáo Louvain (Bỉ), Viện Fraunhofer (Đức), Đại học bách khoa Milano (Italy) và Bệnh viện Spallanzani (Italy). Dự án thử nghiệm trên được thực hiện vào cuối tuần trước trên các máy tính có tốc độ xử lý 81 Petaflops (1 Petaflop tương đương với hiệu suất 1.000.000 tỷ phép toán/s). Giai đoạn đầu của dự án đã kết thúc với việc xác định được một loại thuốc điều trị bệnh loãng xương phổ biến có thể làm giảm các triệu chứng của người mắc COVID-19. Tháng trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm của Italy cũng đã cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người đối với loại thuốc trên.
Trong khi các hãng dược phẩm đang chạy đua phát triển và điều chế vaccine ngừa COVID-19, các nhà nghiên cứu đã hướng tới việc sử dụng các siêu máy tính hiện đại nhằm thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về virus SARS-CoV-2, vốn đã khiến gần 60 triệu người mắc và hơn 1,3 triệu người tử vong trên toàn cầu. Các siêu máy tính thường có tốc độ nhanh hơn khoảng 1.000 lần so với máy tính thông thường, có thể được sử dụng để mô phỏng vụ nổ hạt nhân, thực hiện thử nghiệm vũ khí ảo và hệ thống khí hậu mô hình.