Châu Âu đang làm gì với làn sóng COVID-19 thứ hai?

Khi số ca mắc COVID-19 tăng lên ở nhiều quốc gia châu Âu, các nước đang phải thực hiện những biện pháp nằm nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai và ngăn số ca tử vong gia tăng.

Theo kênh CNBC, tới nay, có trên 4,5 triệu ca mắc COVID-19 ở châu Âu và trên 218.000 người chết. Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Đức chứng kiến số ca mắc cao nhất châu lục trong đại dịch. 

Dù rủi ro số ca lây nhiễm gia tăng, lãnh đạo khu vực vẫn ngần ngại áp đặt phong tỏa toàn quốc một lần nữa khi mà biện pháp này tác động quá nhiều tới kinh tế, xã hội. Thay vào đó, các nước thực hiện các biện pháp tùy tình hình dịch ở từng khu vực.

Nga không phong tỏa toàn quốc

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 23/9, Nga ghi nhận 6.431 ca mắc mới COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 18/7, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1,1 triệu ca. Hiện Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19. 

Nhà chức trách Nga cũng thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 150 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 19.799 ca. 

Dù vậy, giới chức Nga vẫn tiếp tục trấn an dư luận rằng họ sẽ không tái áp đặt phong tỏa. Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin đã lên sóng truyền hình gần như hàng ngày trong những tuần gần đây để bác bỏ tin đồn rằng giới chức định áp đặt biện pháp nghiêm ngặt vào giữa tháng 9. Điện Kremlin cũng thường xuyên nhấn mạnh không có lý do để phong tỏa trở lại do các ca mới đều rõ ràng về yếu tố dịch tễ.

Tây Ban Nha nhờ quân đội hỗ trợ

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 9/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tây Ban Nha ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao thứ hai châu Âu (trên 693.000 ca) và trên 31.000 người tử vong. Trong ngày 23/9, nước này có trên 11.000 ca mới, tăng so với ngày trước đó.  

Thủ đô Madrid trở thành điểm nóng dịch bệnh khi có số ca mắc mới cao nhất cả nước. Tình trạng này đã khiến giới chức thành phố phải nhờ quân đội trợ giúp trong chống dịch bệnh và một số khu vực ở đây đã bị phong tỏa.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 21/9 đã cảnh báo rằng những con số ở Madrid cho thấy tốc tộ lây nhiễm cao gấp đôi, số người phải nằm giường bệnh chăm sóc tích cực cao gấp ba so với mức toàn quốc. Ông có thể áp đặt một số biện pháp nghiêm ngặt hơn ở Madrid.

Pháp hạn chế tụ tập nơi công cộng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Lyon, Pháp ngày 22/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Pháp có số ca mắc COVID-19 cao thứ ba châu Âu với trên 481.000 ca, trong đó trên 31.000 ca tử vong. Ngày 23/9, Pháp ghi nhận trên 13.000 ca, thuộc hàng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Do số ca gia tăng, thành phố Lyon lớn thứ ba Pháp đã đưa ra các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, giảm số cuộc tụ tập nơi công cộng và cấm bán, tiêu thụ rượu ngoài trời sau 8 giờ tối. Khách chỉ được tới thăm người thân trong nhà dưỡng lão hai lần/tuần. 

Các biện pháp tương tự cũng đã được áp đặt ở các thành phố khác như Marseille và Bordeaux

Anh phong tỏa Bắc England

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Anh cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh trong những ngày gần đây, buộc chính phủ phải phong tỏa một số khu vực ở Bắc England và áp đặt thêm hạn chế trên toàn quốc.

Tới nay, Anh có trên 409.000 ca mắc COVID-19, trong đó trên 41.000 người chết.

Ngày 22/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh đang ở bước ngoặt nguy hiểm khi ông kêu gọi người dân làm việc từ nhà một lần nữa nếu có thể và các quán rượu, nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 10 giờ tối. Anh cấm tụ tập trên 6 người. Ông Johnson cảnh báo các biện pháp trên có thể có hiệu lực tới 6 tháng.

Có thông tin cho rằng Thủ tướng Johnson đang cân nhắc phong tỏa toàn quốc ở quy mô “mini” trong hai tuần nhằm “ngắt mạch” lây nhiễm dịch bênh. Tuy nhiên, ông không nhắc tới điều này ngày 22/9 và dường như chính quyền Anh ngần ngại vì sợ làm kinh tế thiệt hại hơn.

Giới cố vấn y tế và khoa học Anh cảnh báo rằng nếu không hành động, Anh có thể có tới 50.000 ca mắc mỗi ngày vào giữa tháng 10, dẫn tới trên 200 ca tử vong/ngày vào tháng 11.

Đức sẽ tăng cường xét nghiệm

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Là quốc gia được ca ngợi vì phản ứng chống dịch giai đoạn đầu, tới nay Đức ghi nhận trên 279.000 ca mắc COVDI-19, trong đó trên 9.500 người tử vong. Đây là tỷ lệ tỷ vong thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu.

Tuy vậy, số liệu từ Viện Robert Koch cho thấy số ca mắc mới đang tăng, đặc biệt là ở các thành phố như Munich và Hamburg. Ngày 23/9, Đức ghi nhận 2.029 ca mới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi hội nghị thượng đỉnh với các thống đốc vùng để giải quyết khủng hoảng vào tuần tới.

Munich đã thắt chặt quy định về đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Đức sẽ tăng cường xét nghiệm khi số ca mắc gia tăng.

Ngày 21/9, Viện Robert Koch kêu gọi toàn dân cam kết kiềm chế dịch bệnh bằng cách tuân thủ quy định giãn cách, vệ sinh, khuyến cáo tránh tụ tập đông người.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận trên 31,8 triệu ca mắc, 976.723 ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận trên 31,8 triệu ca mắc, 976.723 ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 31.861.338 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 976.723 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 23.459.929 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN