Cảnh báo về cuộc cạnh tranh nguồn cát thiên nhiên

Theo đài RFI của Pháp, khi nói đến ngành công nghiệp khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mọi người nghĩ ngay đến những mỏ vàng, mỏ kim loại, mỏ dầu khí... mà ít nghĩ đến những mỏ cát trên thế giới. Nhưng đây lại là thị trường trị giá 200 tỷ USD/năm.

Chú thích ảnh
Tình trạng khai thác cát trái phép đang phá hủy các bờ biển của Maroc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cát là nguồn tài nguyên cần thiết nhất đối với đời sống của loài người sau nước ngọt. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Biển thuộc trường Công giáo Paris Christian Buchet cho biết khoáng chất trong cát được dùng để làm rất nhiều việc. Cát hiện diện trong gần như mọi vật thể từ điện thoại thông minh đến cốc, chén, phân bón hay thuốc đánh răng, từ lốp xe hơi đến thuốc sơn móng tay... Trong đó, ngành xây dựng tiêu thụ cát lớn nhất. 70% cát được rút ra từ lòng đất. Để xây một ngôi nhà bình thường cần trung bình 200 tấn cát, 3.000 tấn cho xây một bệnh viện và cần tới 30.000 tấn cát để làm được một 1 km đường.

Theo chuyên gia Pascal Peduzzi, Giám đốc Khoa học thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 1 người tiêu thụ trung bình khoảng 18 kg cát/ngày, theo đó con người sử dụng từ 40 - 50 tỷ tấn một năm. Đây là một khối lượng khổng lồ tương đương với một dải cát có chiều rộng 27 mét, dày 27 mét và chiều dài tương đương với đường xích đạo. 

Do đó, cát là mặt hàng "hái ra tiền" vì cát vừa nhiều, dễ khai thác, lại vừa rẻ. Giá cát dao động từ 8 - 12 USD/tấn. Để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ của nhân loại ngày càng lớn, các nhà cung cấp cát đang lao vào cuộc chạy đua tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên này, họ có thể xúc cát từ lòng đại dương, sông ngòi hay các mỏ cát. Hệ lụy kèm theo là từ châu Âu sang châu Á, các mạng lưới buôn lậu cát ngày càng hoành hành. Tại Ấn Độ, các đường dây buôn cát trái phép nguy hiểm không thua các tổ chức tội phạm mafia ở Italy. 

Theo số liệu của UNEP, Trung Quốc hiện nay là nguồn tiêu thụ cát lớn nhất thế giới, 57% cát khai thác trên hành tinh đổ về thị trường đông dân nhất toàn cầu này. Nếu so sánh, khối lượng tiêu thụ của Trung Quốc cao gấp 25 lần so với của Mỹ và trong giai đoạn từ 2011-2013 khối lượng xi măng tiêu thụ tại Trung Quốc tương đương với của Mỹ trong suốt thế kỷ 20.

Sau Trung Quốc là Singapore, quốc gia phải nhập khẩu cát, chủ yếu là từ các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Sri Lanka, Philippines Myanmar hay Campuchia. Theo chuyên gia Buchet, Singapore trong vài thập niên gần đây đã lấn ra biển đến 120 km2. Nếu chưa đề cập đến tác động đối với môi trường, hệ động - thực vật, thì rõ ràng để lấn ra biển như vậy Singapore đã phải nhập khẩu lượng cát khổng lồ.

Không chỉ có Singapore, hiện nay Hong Kong (Trung Quốc) hay Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) cũng áp dụng "chiến thuật" lấn biển. Những hòn đảo bị đe dọa nhấn chìm trong lòng đại đương vì mực nước biển dâng cao, như đảo Maldive (Ấn Độ Dương) hay Kiribati (Thái Bình Dương) ... cần hàng triệu tấn cát để đắp đê.

Do đó, những quốc gia xuất khẩu cát phải chịu hậu quả trực tiếp là nước biển dâng, đất canh tác và nguồn nước bị nhiễm mặn. Cũng chính vì lượng cát ven bờ bị hao hụt lớn, nên khi bị sóng thần, nước tràn sâu hơn vào đất liền khiến đất bị sạt lở. Do đó, khai thác cát quá mức sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài sinh - động vật, và là một thách thức đối với nhân loại.

Theo ông Peduzzi, nếu một dòng sông bị hút cát đến cạn kiệt, tất cả những ngôi làng, người dân sống nhờ vào con sông đó bị đe dọa. Họ phải bỏ làng đi nơi khác sinh sống, thường là lên thành thị, và họ phải có nhà ở. Theo đó, các công trình xây dựng lại đòi hỏi nhiều sỏi cát. 

Chuyên gia Peduzzi thể hiện lo ngại khi một số quốc gia tại Đông Nam Á, trong đó có Campuchia và Philippines hay Myanmar, coi ngành xuất khẩu cát là một trong những trụ cột để phát triển. Campuchia năm 2016 xuất khẩu 7,7 triệu tấn cát và 89% trong số này được dành để bán cho Singapore.

Nhận thức được mối đe dọa đối với môi trường, các nước xuất khẩu đã cát ban hành một loạt lệnh cấm hoặc giới hạn khai thác, xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Tuy nhiên, tại một số quốc gia còn tồn tại nạn tham nhũng, luật pháp chỉ có trên giấy tờ.

Trần Quyên (TTXVN)
Liên tiếp phát hiện khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình
Liên tiếp phát hiện khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, các cơ quan chức năng của huyện vừa phát hiện, xử lý 2 trường hợp đã lợi dụng lúc cơ quan chức năng đang tập trung lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 để khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN