Tặng hay không tặng? Đó là câu hỏi của nhiều người Trung Quốc liên quan đến bao mỗi phong bao lì xì dịp Tết cổ truyền.
Hồng bao là những phong giấy nhỏ màu đỏ, bên trong đựng tiền, thường do những người lớn tuổi trong gia đình tặng cho người nhỏ tuổi hơn trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vật được tin là đem lại vận may, sức khỏe và thịnh vượng này ở một số trường hợp lại có thể dẫn đến rắc rối, mất lòng và thậm chí là kiện cáo.
Tờ China Daily đưa tin tại Quảng Châu (Trung Quốc) mới đây, tòa án đã yêu cầu bố của một bé trai 13 tuổi phải trả lại số tiền mà con được mừng tuổi. Cậu bé họ Su đã kiện bố ra tòa sau khi biết được tài khoản ngân hàng của cậu, nơi cậu gửi 3.000 nhân dân tệ tiền lì xì năm 2014 và 2015 đã trống rỗng kể từ tháng 3/2016.
Tuy nhiên, người bố phản biện rằng số tiền chủ yếu là do bên gia đình anh mừng tuổi cho bé trai, đồng thời cho biết mẹ của cậu bé – người anh đã ly dị nhiều năm trước - đã dàn xếp vụ kiện nhằm chiếm đoạt số tiền cho riêng mình. Mẹ của Su được trao quyền nuôi con trai từ tháng 4/2016 và cậu bé sống mẹ kể từ đó.
Theo phiên tòa xét xử, tiền mừng tuổi thuộc sở hữu của người nhận, bất kể tuổi tác. Mặc dù phụ huynh được quyền giúp con cái quản lý tiền nhưng họ không được phép tiêu hoặc sử dụng chúng mà không được sự đồng ý của con.
Vì vậy, tòa xử bé Su thắng kiện và yêu cầu người cha trả lại 3.045 nhân dân tệ bao gồm cả tiền lãi.
Luật sư Ye Shibao tại công ty luật Etr ở Quảng Châu cho biết: "Trẻ em được hưởng quyền công dân như người lớn. Vì thế tiền lì xì thuộc về đứa trẻ, người cha nên chuyển số tiền đó cho mẹ cậu, người giám hộ đứa trẻ, để cô ấy quản lý hộ cậu bé”.
Một phiên xử ly dị tại Bắc Kinh gần đây cũng kết luận tiền mừng tuổi thuộc về trẻ, theo bản công bố ngày 14/2 từ Tòa án Nhân dân Quận Chaoyang. Trong trường hợp này, kể từ khi sinh cậu con trai 8 tuổi, cặp đôi đã tiết kiệm được hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền lì xì trong tài khoản ngân hàng của người bố. Lúc họ quyết định ly dị, với việc người mẹ nhận quyền nuôi con, người bố đề nghị chia tiền lì xì như tài sản chung và yêu cầu tòa phán quyết. Yêu cầu của người bố đã bị bác bỏ.
Có nhiều quy luật bất thành văn liên quan đến cách thức tặng tiền mừng tuổi và tại từng địa phương lại khác biệt.
Bé Jin Luyi, 10 tuổi nhận được 12 hồng bao sau Tết năm 2019, đa số chúng chứa đồng 500 nhân dân tệ. Đây là dạng quà mừng tuổi điển hình ở Thượng Hải. Cô bé nói mình đã nhận được gần 200.000 nhân dân tệ khi chào đời đến này và số tiền được mở thành tài khoản đứng tên cô bé. Bố me Jin hy vọng số tiền sẽ được dùng để đóng học phí đại học cho con gái. Niềm hy vọng thường thấy ở phần lớn các gia đình khi học phí ngày càng tăng.
Cô Lu Liping, mẹ của Jin chịu trách nhiệm ghi nhớ số tiền con nhận được trong mỗi hồng bao. Cô nói: “Với mỗi nhân dân tệ con nhận được, chúng tôi tặng lại khoản tương đương cho người đó”. Quy tắc bất di bất dịch của tục tặng hồng bao chính là cho-và-nhận.
Quy tắc này đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, rằng nếu bất kỳ ai không theo được quy tắc trên sẽ cảm thấy xấu hổ và bị các thành viên gia đình nhận được hồng bao “không tương xứng” đánh giá thấp.
Wang Yiqi, 29 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ ở Thượng Hải, đã về quê hương Xunyang, một thị trấn kém phát triển ở tỉnh Sơn Tây để ăn Tết. “Khi tôi nhận tiền mừng tuổi lúc nhỏ, lì xì chỉ có 20 – 50 nhân dân tệ. Tôi sẽ vô cùng vui sướng nếu tìm thấy một tờ 100 nhân dân tệ bên trong hồng bao”, anh nói.
Wang cho biết thêm, ngoài tiền thì thức ăn và quần áo cũng là thứ quà họ hàng tặng nhau vào dịp Tết. “Dần dần, tục tặng quà đã biến mất và tôi nghĩ mọi người chỉ tặng hồng báo vì họ cho đó là tục lệ ngày lễ. Hiện tại, số tiền mừng tuổi phải từ 200 nhân dân tệ trở lên”, anh Wang chia sẻ. Số tiền chênh lệch trên sẽ chẳng là gì với người khá giả song sẽ là gánh nặng đối với người nghèo khó.
Nhà nghiên cứu về truyền thông văn hóa Lin Yufeng tại Đại học Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô cho hay trong quá trình làm khảo sát, ông được biết có những gia đình nghèo phải chi gần 1/3 từ khoản thu nhập hàng năm 30.000 nhân dân tệ để tặng hồng bao vào các dịp lễ tết.
Người Trung Quốc tặng hồng bao vào nhiều dịp, trong đó có mừng đám cưới, tiệc thôi nôi, tiệc đầy tháng trẻ sơ sinh và Tết Nguyên đán... Đối với những gia đình tầm trung, tặng số tiền như vậy không thành vấn đề vì cuối cùng họ cũng sẽ nhận lại chúng. Nhưng đối với người nghèo – những người không dám sinh con và ly hôn – thì lại tồn tại tình trạng “hồng bao một chiều”. Chuyên gia Lin cho biết:
“Nhưng họ nói với tôi rằng họ không muốn mất mặt hoặc bị xa lánh” nên vẫn gắng gượng rút tiền tặng. Điều này phản ánh tầm quan trọng của hồng bao trong việc duy trì mối quan hệ.
Ông Lin nói thêm rằng hồng bao chỉ là một dạng quà tặng và tập tục tặng quà cho nhau cũng không phải lạ lẫm ở xã hội phương Tây. Trong một lần ông Lin nhận được thư điện tử mời dự tiệc Lễ tạ ơn ở Mỹ, chủ nhà đã lưu ý các khách mời hãy đem theo một món quà nhỏ để trao đổi tại sự kiện.
"Mua quà Giáng sinh thích hợp cũng là nhiệm vụ khó khăn đối với người phương Tây hàng năm", ông nói, "Và với khái niệm nền kinh tế thị trường ngày càng đi vào tâm trí người Trung Quốc, các hồng bao lớn hơn và dày hơn sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Xét cho cùng, mọi người sẽ dễ dàng đo đếm giá trị của món quà nếu chúng bằng tiền mặt".