Cảnh báo đằng sau hiện tượng giá urani 'bùng nổ'

Giá urani đã tăng tới 60% chỉ từ giữa tháng 8. Giới phân tích cho rằng chúng ta có thể chứng kiến bong bóng trên thị trường urani và đừng ngạc nhiên nếu có sự điều chỉnh quá mạnh ở dốc bên kia.

Chú thích ảnh
Một mảnh urani. Ảnh: AFP 

Đã một năm kể từ khi Horizon Nuclear Power, một công ty thuộc sở hữu của Hitachi, xác nhận họ sẽ rút khỏi hoạt động xây dựng nhà máy điện hạt nhân Wylfa trị giá 20 tỷ bảng Anh (27,3 tỷ USD) ở Anglesey, phía bắc xứ Wales (Anh).

Tập đoàn công nghiệp Nhật Bản viện dẫn lý do không đạt được thỏa thuận tài trợ với chính phủ Anh vì chi phí leo thang và chính phủ vẫn đang đàm phán với các công ty khác để cố gắng tiến hành dự án.

Giá cổ phiếu của Hitachi đã tăng 10% khi công ty này tuyên bố rút lui, điều này phản ánh tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư đối với việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân lớn phức tạp, đòi hỏi quản lý chặt chẽ.

Theo trang Asia Times, trong bối cảnh các chính phủ dè dặt trợ cấp điện hạt nhân vì chi phí cao, đặc biệt là kể từ sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, thị trường đã đánh giá thấp tiềm năng của công nghệ này trong việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu bằng cách cung cấp lượng điện dồi dào, phát thải carbon thấp và đáng tin cậy.

Giá urani từ lâu đã phản ánh thực tế trên. Nhiên liệu chính cho các nhà máy hạt nhân đã giảm trong phần lớn thập niên 2010, và không có dấu hiệu của những thay đổi lớn. 

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 8 vừa qua, giá urani đã tăng khoảng 60% khi các nhà đầu tư và đầu cơ tranh giành nguồn hàng. Giá urani tăng lên mức 48 USD/pound (454 gam), so với 28,99 USD vào ngày 16/8. Vậy điều gì ẩn sau sự tăng giá mạnh mẽ này và nó có ý nghĩa ra sao với năng lượng hạt nhân?

Thị trường urani

Nhu cầu về urani chỉ giới hạn trong sản xuất điện hạt nhân và thiết bị y tế. Nhu cầu toàn cầu hàng năm là trên 200 triệu USD. Các nhà máy điện hạt nhân thường tìm cách đảm bảo các hợp đồng cung cấp trước 2 năm so với thời điểm sử dụng.

Mặc dù nhu cầu urani vẫn bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhưng nó ít nhạy cảm hơn các kim loại và hàng hóa công nghiệp khác. Phần lớn nhu cầu được phẩn bổ trên khoảng 445 nhà máy điện hạt nhân tại 32 quốc gia, với nguồn cung tập trung ở một số ít mỏ.

Kazakhstan là nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới, chiếm trên 40% sản lượng toàn cầu, tiếp theo là Australia (13%) và Namibia (11%).

Chú thích ảnh
Loạt thùng chứa gần 500kg urani tại McClean Lake, Canada. Ảnh: AFP 

Do phần lớn urani khai thác được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân, giá trị của nó gắn chặt với nhu cầu hiện tại và tiềm năng tương lai từ ngành công nghiệp này. Nhưng thị trường không chỉ bao gồm các nhà sản xuất tiêu dùng urani mà còn có giới đầu cơ. Một trong những nhà đầu cơ dài hạn là Sprott Physical Uranium Trust có trụ sở tại Toronto (Canada) đã mua vào khoảng 8 triệu USD urani trong những tuần gần đây.

Vì sao tâm lý lạc quan với đầu tư urani tăng lên

Mặc dù người ta tin rằng năng lượng hạt nhân phải đóng một vai trò không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, nhưng chi phí cao đã khiến nó không có tính cạnh tranh so với các nguồn năng lượng khác.

Tuy nhiên, nhờ giá điện tăng mạnh, khả năng cạnh tranh của điện hạt nhân đang được cải thiện. Chúng ta đã chứng kiến những cam kết lớn hơn về xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở Trung Quốc và các nước khác.

Trong khi đó, các công nghệ hạt nhân sáng tạo như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), đang được phát triển ở các nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh và Ba Lan, hứa hẹn sẽ giảm chi phí.

Kết hợp với những công bố lạc quan gần đây về năng lượng hạt nhân từ Hiệp hội Hạt nhân Thế giới và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), điều này khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn về nhu cầu urani trong tương lai.

Tác động lên giá cũng được nhân lên do các vấn đề về nguồn cung. Do trước đây giá urani thấp, các mỏ khai thác trên khắp thế giới đã bị đóng băng trong vài năm. Cameco, công ty urani được niêm yết lớn nhất thế giới, đã đình chỉ sản xuất tại mỏ McArthur River ở Canada vào năm 2018.

Nguồn cung urani toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với sản lượng giảm 9,2% vào năm 2020 do hoạt động khai thác bị gián đoạn. Đồng thời, vì urani không có chất thay thế trực tiếp và có liên quan đến an ninh quốc gia, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã tích lũy các kho dự trữ lớn, càng làm hạn chế hơn nữa nguồn cung.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ dùng iPhone theo dõi giá chứng khoán. Ảnh: AFP

Cảnh giác với bong bóng giá

Khi so sánh chi phí sản xuất điện trong suốt thời gian tồn tại của một nhà máy điện, chi phí cho urani có tác động nhỏ hơn nhiều đến một nhà máy hạt nhân so với tác động tương đương của khí đốt hoặc nguyên liệu vi sinh, cụ thể là 5% so với khoảng 80% . Do đó, việc giá urani tăng mạnh sẽ không ảnh hưởng lớn đến tính kinh tế của điện hạt nhân.

Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán sẽ có rủi ro hỗn loạn trên thị trường này trong những tháng tới. Trong năm 2021, các thị trường tương tự như Gamestop (chuyên về trò chơi điện tử) và NFTs (token không thể thay thế) đã trở thành những ví dụ điển hình về việc đầu cơ quá lạc quan - sự lạc quan được thúc đẩy bởi tâm lý hưng phấn thay vì đánh giá tỉnh táo dựa trên các nguyên tắc kinh tế cơ bản.

Chúng ta có thể nhìn thấy bong bóng trên thị trường urani và đừng ngạc nhiên nếu theo sau nó là một sự điều chỉnh mạnh mẽ.

Lý do là ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng thế giới sẽ cần nhiều urani hơn đáng kể để có thêm năng lượng hạt nhân, điều này có thể sẽ khuyến khích tăng cường khai thác và giải phóng các nguồn dự trữ hiện có ra thị trường. Khi nguồn cung dồi dào, thì việc quả bóng giá xì hơi là hoàn toàn dễ hiểu.

Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư nghiệp dư nên cẩn thận để không mắc sai lầm. Nhưng đối với một kim loại có chu kỳ bán rã tới 700 triệu năm, các nhà đầu tư nghiêm túc có lẽ có thể đủ khả năng để chờ đợi đến khi gặt hái lợi nhuận.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)
Đại hội đồng Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân
Đại hội đồng Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân

Ngày 28/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã họp phiên toàn thể cấp cao thường niên kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN