Theo nghiên cứu gần đây do Đại học Leeds của Anh tiến hành và được công bố trên tạp chí Nature Sustainability của Anh, gần 90% mức phát thải CO2 đến từ các nước phát triển.
Trả lời phóng viên về nghiên cứu này tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Mao Ninh cho rằng nghiên cứu nói trên cho thấy các nước phát triển lâu nay có nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm đạo đức đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo đó, các nước phát triển cần đóng vai trò dẫn đầu trong việc cắt giảm mạnh mức phát thải carbon để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 sớm hơn nhiều so với mục tiêu được đề ra là vào năm 2050. Người phát ngôn này cũng cho rằng các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực.
Theo một bản đánh giá được công bố vào ngày 8/6 vừa qua về mức độ tin cậy của các nước trên thế giới trong việc thực hiện chương trình chống biến đổi khí hậu, phần lớn các nước đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ này có mức phát thải ròng carbon bằng 0, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ hướng tới đạt mục tiêu này lần lượt vào năm 2060 và 2070.
Hầu hết các nền kinh tế mới nổi lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia có mức xếp hạng tin cậy thấp nhất, tương tự các quốc gia Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ở vùng Vịnh.
Khả năng kìm hãm tốc độ ấm lên của Trái Đất phụ thuộc phần lớn vào việc các nước có giữ vững và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hay không, song rất khó đánh giá mức độ tin cậy của các kế hoạch này. Nếu các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của tất cả các quốc gia đều được thực hiện, mức nóng lên toàn cầu có thể ổn định trong phạm vi mục tiêu đề ra từ 1,5 độ C đến 2 độ C.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính các chính sách sẵn có và bỏ qua những cam kết có phần không rõ ràng, nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng ở mức từ 2,5 độ C đến 3 độ C.