Căn nguyên khiến việc đóng cửa chính phủ dường như chỉ xảy ra tại Mỹ

Hơn 40 năm qua, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 10 lần. Trong khi đó, ở các quốc gia khác, chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi xảy ra chiến tranh và khủng hoảng hiến pháp. Vậy lý do nào khiến diễn biến này vẫn có nguy cơ xảy ra ở Mỹ?

Chú thích ảnh
Nhà Trắng tại Washington, D.C, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với hầu hết mọi nơi trên thế giới, việc chính phủ đóng cửa là một tin rất xấu. Đó có thể là hậu quả của cách mạng, xung đột hoặc thảm họa. Việc Mỹ rơi vào tình trạng khiến nhiều dịch vụ công phải đình chỉ và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là điều đáng ngạc nhiên đối với nhiều người.

Trong một thỏa thuận vào phút chót ngày 30/9, Quốc hội Mỹ đã tránh được tình trạng đóng cửa bằng cách thông qua dự luật chi tiêu tạm thời giúp chính phủ tiếp tục hoạt động thêm 45 ngày nữa. Nhưng điều đó có nghĩa là các nghị sĩ sẽ phải quay lại bàn thương lượng và nước Mỹ vẫn phải đối mặt với một đợt đóng cửa khác.

Hệ thống chính quyền liên bang Mỹ cho phép các các đảng phái khác nhau kiểm soát nhánh khác nhau của chính phủ. Đó là cơ cấu do những người sáng lập quốc gia nghĩ ra để khuyến khích thỏa hiệp và cân nhắc, nhưng gần đây lại có hiệu ứng ngược.

Đó là vì vào năm 1980, Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó Jimmy Carter đã ban hành một cách giải thích hẹp về Đạo luật Phòng ngừa thiếu hụt năm 1884. Luật này cấm chính phủ ký kết các hợp đồng khi chưa có chấp thuận của Quốc hội. Trong gần một thế kỷ, nếu có chênh lệch về ngân sách, chính phủ vẫn “bật đèn xanh” với chi tiêu cần thiết. Nhưng sau năm 1980, chính phủ đã có quan điểm chặt chẽ hơn nhiều: không ngân sách, không chi tiêu.

Cách lý giải này khiến Mỹ khác biệt với các nền dân chủ phi nghị viện khác như Brazil với nhánh hàng pháp mạnh có khả năng duy trì hoạt động trong thời gian bế tắc ngân sách.

Lần đóng cửa đầu tiên của Mỹ xảy ra năm 1981, khi Tổng thống Ronald Reagan phủ quyết một dự luật cấp kinh phí. Tình trạng này kéo dài trong vài ngày. Kể từ đó, đã có 10 vụ đóng cửa khác kéo dài từ nửa ngày đến hơn một tháng.

Lần gần đây nhất diễn ra từ ngày 21/12/2018 đến ngày 25/1/2019, là lần lâu dài nhất được ghi nhận. Khi đó, một số dịch vụ thiết yếu vẫn duy trì hoạt động như an sinh xã hội và quân đội nhưng hàng trăm nghìn công chức liên bang không được trả lương. Thời điểm đó, Nhà Trắng ước tính việc đóng cửa làm giảm tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,1 điểm phần trăm với mỗi tuần đóng cửa.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ở những nơi khác trên thế giới, việc đóng cửa như vậy thực tế là bất khả thi. Hệ thống nghị viện được hầu hết các nền dân chủ châu Âu áp dụng đảm bảo rằng cơ quan hành pháp và lập pháp được kiểm soát bởi cùng một đảng hoặc liên minh. Có thể hình dung rằng, quốc hội được phép từ chối thông qua ngân sách do thủ tướng đề xuất, nhưng hành động như vậy có thể sẽ gây ra một cuộc bầu cử mới thay vì ngừng các dịch vụ.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Canada năm 2011, khi các đảng đối lập bác bỏ ngân sách do Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper đề xuất. Hạ viện sau đó thông qua kiến nghị bất tín nhiệm, tiến hành một cuộc bầu cử. Trong khi đó, các dịch vụ của chính phủ vẫn hoạt động.

Ngay cả ở Bỉ, nơi không có chính phủ dân cử nắm quyền trong 589 ngày từ năm 2010-2011, các đoàn tàu vẫn chạy.

Gần đây hơn, Ireland đã cố gắng duy trì mọi hoạt động từ năm 2016-2020 dưới một chính phủ thiểu số với hệ thống trong đó các đảng không nắm quyền đồng ý hỗ trợ các dự luật chi tiêu và bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhưng kiểu hợp tác này ngày càng trở nên hiếm hoi ở Mỹ, nơi các đảng chính trị dường như sẵn sàng sử dụng hoạt động hàng ngày của chính phủ như một quân bài thương lượng để khiến phía bên kia thỏa hiệp. Ví dụ, lần đóng cửa gần đây nhất là hậu quả của việc một số thành viên Đảng Cộng hòa bảo thủ trong Quốc hội yêu cầu cắt giảm chi tiêu sâu mà những thành viên trung dung trong đảng của họ và các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ không ủng hộ.

Thỏa thuận ngày 30/9 đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục hoạt động bình thường trong 45 ngày tới. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này đã cắt giảm viện trợ cho Ukraine. Sau đó, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh: “Chúng ta không cho phép hỗ trợ từ Mỹ cho Ukraine bị gián đoạn dưới bất cứ tình huống nào”.

Sau 45 ngày, nếu không đạt được thỏa thuận, bốn triệu nhân viên chính phủ sẽ không được trả lương - các công viên quốc gia và cơ quan quản lý tài chính buộc phải đóng cửa, hỗ trợ dinh dưỡng cho 7 triệu bà mẹ nghèo rơi vào cảnh đóng băng. Điều này cũng có thể tác động dây chuyền đến an ninh sân bay và kiểm soát biên giới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị thêm viện trợ từ Mỹ trong chuyến thăm vào cuối tháng 9 khi ông gặp người đồng cấp Joe Biden cũng như các quan chức quân sự hàng đầu và phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden đã hỗ trợ hơn 75 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo BBC)
Vừa thoát nguy cơ đóng cửa, Nhà Trắng tiếp tục cuộc chiến ‘cứu’ viện trợ Ukraine
Vừa thoát nguy cơ đóng cửa, Nhà Trắng tiếp tục cuộc chiến ‘cứu’ viện trợ Ukraine

Nhà Trắng hy vọng Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ sớm công bố một dự luật riêng có liên quan đến khoản viện trợ cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN