Theo đài RT, thông báo này được đưa ra ngày 10/3 trong bối cảnh nhiều công ty phương Tây tạm dừng hoạt động tại Nga.
Ông James von Moltke, Giám đốc tài chính Deutsche Bank (Đức), nói với CNBC: “Chúng tôi ở đó để hỗ trợ khách hàng của mình. Vì vậy, xét tính thực tế, rời đi không phải là lựa chọn của chúng tôi. Rời đi cũng không phải là việc đúng đắn xét về khía cạnh quản lý mối quan hệ khách hàng và giúp họ quản lý tình hình của mình”.
Ông Von Moltke nói thêm rằng ngân hàng Deutsche Bank sẽ sẵn sàng xem xét lại lập trường nếu tình hình ở Ukraine leo thang hơn nữa và các khách hàng của Deutsche Bank ở Nga, trong đó hầu hết là các công ty đa quốc gia, ngừng hoạt động tại đây.
Theo ông Von Moltke, Deutsche Bank đã quản lý rủi ro thị trường khá thành công trong những ngày đầu cuộc chiến ở Ukraine và lưu ý rằng họ đang phối hợp chặt chẽ với khách hàng để quản lý phản ứng. Theo ông, vốn của chi nhánh Deutsche Bank tại ở Moskva đã được bảo vệ toàn diện để quản lý rủi ro tiền tệ.
Ngày 10/3, Goldman Sachs cho biết họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ở Nga. Trước đó, vào ngày 7/3, ngân hàng HSBC đã yêu cầu nhân viên bắt đầu ngừng giao dịch với các ngân hàng Nga.
Ngày 9/3, hãng Nestle, Philip Morris và công ty sản xuất trò chơi điện tử Sony đã rút khỏi Nga. Cụ thể, công ty sản xuất thuốc lá Philip Morris cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất, trong khi Imperial Brands ngừng sản xuất và Tobacco Plc ngừng đầu tư tài chính, song vẫn duy trì hoạt động tại Nga. Về phần mình, hãng Sony cho biết bộ phận trò chơi điện tử PlayStation sẽ không chuyển hàng tới Nga và ngừng các giao dịch tại Nga.
Các tập đoàn kinh doanh khách sạn như Hilton Worldwide Holdings và Hyatt Hotels Corp cũng thông báo ngừng hoạt động tại Nga. Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Mondelez International thông báo sẽ giảm hoạt động không thiết yếu, chỉ duy trì cung ứng thực phẩm tại Nga.
Trước đó, ngày 7/3, công ty kiểm toán và tư vấn KPMG cho biết chi nhánh của công ty tại Nga và Belarus sẽ rời khỏi mạng lưới KPMG. Công ty kiểm toán PwC cũng đã đồng ý rút PwC tại Nga khỏi mạng lưới của mình. Công ty này đã hoạt động ở Nga hơn 30 năm và có 3.700 đối tác và nhân viên tại đây. PwC cho biết do ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine, PwC đã cho rằng không nên có một công ty thành viên ở Nga và do đó PwC Nga sẽ rời khỏi mạng lưới chung.
Tính đến ngày 10/3/2022, 325 công ty đã tạm ngừng hoặc cắt giảm các giao dịch với Nga. Nhiều công ty đã rời khỏi Nga nằm trong số những công ty lớn nhất thế giới xét về doanh thu, bao gồm Amazon, Apple, Volkswagen, Toyota Motor, Samsung Electronics. Hiện có 37 công ty có quan hệ đáng kể với Nga vẫn chưa ngừng hoạt động tại nước này.
Trong khi đó, ngày 10/3, Điện Kremlin thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc và Moskva đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phương Tây đang phát động "cuộc chiến tranh kinh tế chưa từng có" nhằm vào Nga. Ông cho rằng tình hình hiện nay hỗn loạn, nhưng Nga đang thực hiện các biện pháp để làm dịu và ổn định tình hình.
Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết các doanh nghiệp Nga đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho các hợp đồng bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu vào tháng 4 tới, song khẳng định có thể giải quyết được vấn đề này.