Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo công bố ngày 10/10 của Mạng lưới châu Âu về Nợ và Phát triển (Eurodad). Đồng tác giả báo cáo này, bà Iolanda Fresnillo nêu rõ một nhóm gồm 37 quốc đảo, nơi sinh sống của khoảng 65 triệu người, đang "cần gia tăng không gian tài chính một cách khẩn cấp, nhằm giải quyết các thách thức và những cuộc khủng hoảng mà họ phải đối mặt".
Theo báo cáo của Eurodad, nhóm quốc đảo trên đã cùng nhận được khoản hỗ trợ tài chính khí hậu 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, 22 nước trong số đó đã phải trả hơn 26,6 tỷ USD cho các chủ nợ, trong đó bao gồm 50 tổ chức phi chính phủ.
Báo cáo cho biết mức nợ công ở các quốc đảo nhỏ đã tăng từ mức bình quân gần 66% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2019 lên mức gần 83% trong năm 2020 và được đặt mục tiêu ở mức trên 70% cho đến năm 2025. Điều này có nghĩa là các chính phủ cần phải chi nhiều hơn hơn là các khoản nhận về, trong đó các quốc gia như Belize, Cape Verde, Cộng hòa Dominicana, Jamaica, Maldives, Grenada và Papua New Guinea phân bổ từ 15%-40% ngân sách để thanh toán cho các chủ nợ.
Nhiều quốc đảo đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Số quốc đảo xin nhận hỗ trợ của IMF đã tăng từ 3 nước trong năm 2019, lên 20 nước trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. Tháng 6 vừa qua, ban lãnh đạo IMF đã thông qua chương trình hỗ trợ trị giá 60 triệu USD cho Cape Verde, trong khi Barbados đạt được thỏa thuận trị giá 293 triệu USD vào cuối tháng 9.
Báo cáo của Eurodad cho thấy hơn 80% các quốc đảo hiện gặp khó khăn về nợ, theo các tiêu chí đánh giá của IMF và Ngân hàng thế giới (WB). Giải pháp để củng cố những nền kinh tế mong manh và đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ xung đột tại Ukraine này dự kiến sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận, khi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nhóm họp tại Washington (Mỹ) tuần này trong khuôn khổ cuộc họp thường niên IMF và WB.