Trong tuyên bố ngày 14/9, 23 hiệp hội ngành sản xuất ô tô nhấn mạnh việc không đạt được thỏa thuận sẽ khiến hoạt động mua bán ô tô bị đánh thuế, qua đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao, dẫn đến nhu cầu giảm sút. Điều này sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất của ngành này, ước giảm khoảng 3 triệu ô tô trong 5 năm tới. Qua đó, các nhà máy sản xuất ô tô châu Âu có thể thiệt hại tới 57,7 tỷ euro, trong khi các nhà máy của Anh thiệt hại 52,8 tỷ euro.
Hiệp hội sản xuất và buôn bán ô tô của Anh (SMMT), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô châu Âu, Hiệp hội sản xuất ô tô Đức đã tham gia ký vào tuyên bố chung trên.
Tại thời điểm còn chưa đầy bốn tháng giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc, các cuộc đàm phán giữa hai bên về thỏa thuận thương mại từ sau năm 2021 vẫn đang rơi vào khủng khoảng, sau khi Anh đưa ra kế hoạch phá vỡ thỏa thuận "ly hôn" với châu Âu mà hai bên đã ký kết hồi tháng 1/2020.
Trên thực tế, trong trường hợp xảy ra "Brexit cứng", mức thuế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với ngành chế tạo và sản xuất ô tô sẽ được áp đặt đối với cả châu Âu và Anh, điều sẽ gia tăng áp lực đối với ngành vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, mức thuế 10% sẽ được áp đặt đối với xe ô tô thông thường và 22% đối với xe ô tô tải và xe chuyên chở. Dĩ nhiên, đối tượng gánh các khoản thuế này là khách hàng.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng xe đăng ký mới tại EU trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, doanh số ô tô mới bán ra tại Anh giảm tới 49%. Ước tính, thiệt hại của ngành sản xuất ô tô của Anh và EU trong năm nay có thể lên tới 100 tỷ euro.
Liên quan đến tiến trình đàm phán Brexit, căng thẳng giữa hai bên đã gia tăng sau khi Anh công bố Dự luật Thị trường nội địa, trong đó thừa nhận khả năng sẽ vi phạm một số điều khoản của thỏa thuận Brexit. Quốc hội Anh sẽ nhóm họp trong ngày 14/9 để thảo luận về dự luật này.