Chính phủ Anh đang kéo dài khoảng thời gian giữa mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai nhằm đảm bảo càng có nhiều người được tiêm mũi đầu tiên càng tốt. Bộ Y tế và Chăm sóc sức khỏe Anh cho biết quyết định khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 12 tuần được đưa ra sau khi đánh giá kỹ lưỡng số liệu và phù hợp với khuyến nghị của 4 văn phòng y tế hàng đầu của nước này.
Trong một bức thư gửi Trưởng văn phòng y tế vùng England Chris Whitty, Hiệp hội Y khoa Anh cho biết khoảng cách 12 tuần giữa mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai vaccine của hãng Pfizer là trái với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiệp hội kêu gọi Chính phủ Anh rút ngắn khoảng cách này xuống tối đa là 6 tuần.
Trong khi đó, hãng Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) cảnh báo rằng không có bằng chứng cho thấy vaccine do họ phối hợp sản xuất sẽ tiếp tục có khả năng phòng bệnh nếu mũi thứ hai được tiêm quá 3 tuần kể từ mũi thứ nhất.
Anh hiện đang sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer và của hãng dược AstraZeneca (Anh). Hãng AstraZeneca cho biết các dữ liệu cho thấy với khoảng cách giữa hai mũi tiêm từ 8-12 tuần, vaccine vẫn có hiệu quả tốt.
Trước đó, ngày 22/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở nước này có thể có liên quan tới tỉ lệ tử vong cao hơn. Tính đến ngày 23/1, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 97.329 ca.
* Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 23/1 đã chỉ trích hai hãng dược sản xuất vaccine là Pfizer và AstraZeneca vì sự chậm trễ trong chuyển giao vaccine theo hợp đồng.
Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Conte nhấn mạnh đây là hành động không thể chấp nhận được. Theo ông, kế hoạch tiêm phòng vaccine tại Italy được xây dựng dựa trên cơ sở các cam kết tự do giữa các công ty dược với Ủy ban châu Âu (EC). Việc chậm trễ cung ứng vaccine vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và gây thiệt hại cho Italy và các quốc gia khác.
Thủ tướng Conte đồng thời để ngỏ khả năng kiện các nhà sản xuất vaccine vì vi phạm này.
Sau tuyên bố của Thủ tướng Conte, một quan chức cấp cao nước này cho biết, Italy sẽ cân nhắc lại về toàn bộ chương trình tiêm phòng COVID-19 nếu việc cung ứng vẫn gặp vấn đề.
Hồi tuần trước, hãng Pfizer thông báo tiến độ chuyển giao vaccine tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ chậm lại vì hãng tiến hành thay đổi khâu sản xuất nhằm tăng sản lượng vaccine. Hãng dược AstraZeneca cũng thông báo với EU rằng sẽ giảm 60% lượng vaccine cung cấp cho khối này do gặp vấn đề về sản xuất. Việc các hãng dược cung ứng chậm vaccine khiến Italy phải cắt giảm 2/3 số liều tiêm vaccine mỗi ngày. Theo số liệu của nhà chức trách Italy, số liều vaccine COVID-19 sử dụng mỗi ngày tại Italy đã giảm còn khoảng từ 20.000 đến 25.000 liều/ngày so với mức đỉnh điểm hơn 90.000 liều tiêm trong 2 tuần qua.
Với hơn 1,3 triệu liều vaccine đã được tiêm cho dân chúng, Italy hiện là quốc gia đứng thứ 2 trong EU về tỷ lệ số người được tiêm phòng COVID-19, sau Đức. Gần 40.300 người ở Italy hiện đã hoàn tất quy trình tiêm vaccine, với 2 mũi tiêm.
*Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/1, 16 quốc gia thành viên của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định hài hòa phí xét nghiệm PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở mức 50 USD, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp trực tuyến thông thường của tổ chức nay, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Jean Claude Kassi Brou nêu rõ: "Hiện phí xét nghiệm PCR giữa các quốc gia là khác nhau và chúng tôi phải hài hòa tất cả những điều này để mang lại tầm nhìn tốt hơn, đặc biệt là đối với những du khách".
Theo ông Kassi Brou, hiện một số quốc gia như Ghana hay Nigeria tính phí xét nghiệm PCR này lên tới 150 USD, làm nản lòng nhiều du khách vốn phải kiểm tra PCR nhiều lần khi nhập cảnh và xuất cảnh. Ông Brou cũng thông báo rằng ECOWAS sẽ sớm thành lập quỹ vaccine phòng COVID-19, được tài trợ bởi các chính phủ thành viên cũng như các đối tác truyền thống.
Nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia ít dân cư, vẫn chưa công bố chiến lược tiêm chủng và khả năng sở hữu vaccine của họ. Nigeria, quốc gia đông dân nhất ở châu Phi với 200 triệu dân, hy vọng sẽ nhận được 100.000 liều vaccine vào tháng 2/2021 thông qua cơ chế Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine (Gavi) thực hiện. Trước đó, ngày 22/1, Mali cũng đã thông báo muốn mua hơn 8 triệu liều vaccine và sẽ bắt đầu tiêm chủng vào tháng 4 tới.