Thông điệp đó đã được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vừa diễn ra tại Italy.
Các bộ trưởng Y tế G20 đã thông qua Hiệp ước Rome, trong đó cam kết đảm bảo người dân trên toàn thế giới đều được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất là 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021. Hiệp ước đạt được trên nền tảng các bộ trưởng thống nhất quan điểm rằng tiêm chủng là chìa khóa để ngăn chặn COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm với những làn sóng bùng phát nối tiếp nhau tại nhiều khu vực trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia, tiếp tục có những tác động sâu sắc đến sức khỏe con người. Đại dịch đồng thời cũng cho thấy những yếu kém trong các hệ thống y tế và dịch vụ, thông tin và giáo dục. Đại dịch đã cướp đi sinh kế của nhiều người dân, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, làm lung lay nền kinh tế thế giới, cản trở việc đi lại và thương mại quốc tế, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa và bên trong các quốc gia, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói, mắc bệnh và tử vong. Do các quy định giãn cách, COVID-19 đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, mất an ninh lương thực, gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục cũng như các dịch vụ y tế, nhất là nhóm những người dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em gái, người cao tuổi, người khuyết tật, thanh niên, trẻ em cũng như những người nghèo nhất.
Bộ trưởng Y tế nước chủ nhà Italy Roberto Speranza nêu rõ các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết đưa vaccine ngừa COVID-19 đến các quốc gia dễ tổn thương nhất, tạo điều kiện để có thể chuyển hoạt động sản xuất vaccine đến các khu vực khác trên thế giới, bởi vì sự bất bình đẳng cao trong tiếp cận vaccine có thể đe dọa nỗ lực chống dịch toàn cầu trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới. Vận mệnh của cả thế giới - kể cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao - liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của mỗi người trên toàn thế giới. Theo các số liệu thống kê mới nhất, hơn 5 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên thế giới, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi mới đạt 2%.
Việc cải thiện hệ thống y tế trên phạm vi toàn cầu, quốc gia và địa phương, bắt đầu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cộng đồng, cũng như đầu tư nguồn lực thích hợp cho y tế và phúc lợi, sẽ là vô cùng quan trọng để duy trì sự tiến bộ kinh tế -xã hội toàn cầu lâu dài và thúc đẩy thịnh vượng chung. Cuộc khủng hoảng COVID-19 trước hết cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ thống y tế vững chắc và hiệu quả thông qua củng cố cấu trúc y tế toàn cầu dựa trên tầm nhìn chung nhằm giải quyết các thách thức, trong đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giữ vai trò dẫn đầu và điều phối trên lĩnh vực y tế quốc tế và hợp tác với các bên liên quan.
Tại hội nghị này, các bộ trưởng Y tế G20 đã xác định hành động tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: phục hồi lành mạnh và bền vững; xây dựng khả năng chống chịu "Một sức khỏe"; phản ứng có phối hợp và hợp tác; các loại vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán có thể tiếp cận được, thông qua hành động phối hợp hướng tới phản ứng toàn chính phủ và toàn xã hội, quản lý tốt các hệ thống y tế ở mọi quốc gia để tăng cường năng lực phòng ngừa, phát hiện, sẵn sàng và ứng phó, thông qua cách tiếp cận "khả năng chống đỡ mang tính chuyển đổi" về sức khỏe.
Về việc đảm bảo sự phục hồi lành mạnh và bền vững, các nước G20 đã cam kết đẩy nhanh tiến bộ của các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên quan đến sức khỏe để đảm bảo rằng thế giới được chuẩn bị tốt hơn trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với những tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai, nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người, thúc đẩy việc thực hiện, giám sát và tuân thủ đầy đủ các Quy định Y tế quốc tế 2005 (IHR). Do sự phụ thuộc lẫn nhau của các SDG, hội nghị đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ đối với tất cả các SDG, vì con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và quan hệ đối tác.
Về việc xây dựng khả năng chống chịu "Một sức khỏe", các bộ trưởng G20 đã kêu gọi hợp tác hành động đa ngành để tăng cường việc giám sát, phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng để nâng cao sức khỏe và phúc lợi cho tất cả mọi người, các hệ thống thực phẩm, nước sạch, vệ sinh và bảo vệ môi trường bền vững. Cách tiếp cận "Một sức khỏe", với cam kết chính trị đầu tư dài hạn, cho phép thế giới củng cố và hỗ trợ các hệ thống y tế, thực phẩm và bảo trợ xã hội bền vững và có sức chống đỡ, giải quyết các rủi ro bắt nguồn từ mối quan hệ giữa môi trường- động vật-con người.
Về phản ứng có phối hợp và hợp tác, các thành viên G20 cam kết mở rộng, đầu tư và chuyển đổi việc tuyển dụng, phát triển, giáo dục, đào tạo, phân phối, duy trì và cung cấp tài chính cho lực lượng y tế và chăm sóc sức khỏe. G20 sẽ hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát triển các cơ hội học tập "Một sức khỏe", cũng như các trung tâm đào tạo có liên quan khác, giải quyết những thiếu hụt do đại dịch COVID-19, tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, tăng cường chuỗi cung ứng và lực lượng lao động y tế.
Về các loại vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán có thể tiếp cận được, các nước G20 coi cung cấp Bảo hiểm Y tế toàn dân (UHC) là cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống y tế có khả năng phục hồi và thúc đẩy xã hội hòa nhập và công bằng hơn. G20 cam kết nỗ lực để đạt được UHC, trong đó có bảo vệ rủi ro tài chính, tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng, các chương trình phòng chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ, các loại thuốc và vaccine an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá cả phải chăng.
Cả thế giới đã rất nỗ lực trong gần 2 năm qua, khi các xã hội thích nghi với việc xác định, thực hiện giãn cách và điều trị COVID-19. Với Hiệp ước Rome, Hội nghị bộ trưởng Y tế G20 tại Rome là một bước tiến trên con đường mà Italy đã thực hiện cùng với các nền kinh tế thành viên G20 trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Khi sức khỏe được đánh giá là yếu tố quan trọng và cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, các mối đe dọa về sức khỏe vì vậy có liên quan trực tiếp đến vấn đề cốt lõi của G20 là đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng kinh tế. Kết quả của hội nghị một lần nữa cho thấy việc nâng cao mức độ hợp tác và cùng giải quyết các thách thức về y tế có thể giúp thế giới vượt qua COVID-19 và được trang bị tốt hơn cho việc đối phó với các đại dịch trong tương lai.