Theo hãng tin AFP, thời Chiến tranh Lạnh, Ngân hàng Trung ương Đức đã cất giữ số tiền trị giá gần 15 tỷ mark trong một boongke hạt nhân rộng 1.500 m2 bên dưới thị trấn.
Số tiền này có mật danh là BBK II và là bí mật quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt. Số tiền sẽ được sử dụng nếu hệ thống tiền tệ Đức là mục tiêu tấn công.
Sau Chiến tranh Lạnh, boongke được chuyển giao cho một ngân hàng hợp tác trong khu vực và sau đó là cho một quỹ bất động sản. Vào năm 2016, cặp vợ chồng người Đức Manfred và Petra Reuter đã mua boongke này và biến nó thành bảo tàng.
Bà Petra Reuter cho biết: “Nhiều người quen nói rằng chúng tôi có một boongke an toàn và hỏi liệu có chỗ cho họ trong trường hợp khẩn cấp hay không.
Bên trong boongke, đằng sau cánh cửa sắt nặng, những hành lang dài dẫn đến các buồng khử độc và văn phòng có máy đánh chữ và điện thoại quay số.
Căn phòng chính có 12 thùng chứa và trong gần 25 năm liền, số thùng này chứa khoảng 18.300 hộp đựng hàng triệu tờ tiền 10, 20, 50 và 100 mark, chất cao đến trần.
Ở mặt trước, các tờ tiền gần như giống hệt với tờ tiền thật đang lưu hành vào thời điểm đó, nhưng ở mặt sau thì rất khác.
Bắt đầu từ năm 1964, hàng trăm chiếc xe tải đã chuyển tiền tới hầm chứa trong thời gian khoảng 10 năm mà không ai nghi ngờ điều gì, kể cả cảnh sát mật Đông Đức.
Hầm chứa có lối vào bí mật từ nơi có vẻ như là trung tâm đào tạo và phát triển cho các nhân viên ngân hàng Bundesbank trong một khu dân cư thị trấn. Cochem nằm cách biên giới với Bỉ và Luxembourg khoảng 100km.
Ông Wolfgang Lambertz, cựu thị trưởng thị trấn 5.000 cư dân, cho biết: “Người dân đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra kho báu đã được cất giấu rất lâu gần nhà mình”.
Cùng với 15 tỷ mark được lưu trữ trong boongke, các đồng tiền khác trị giá khoảng 11 tỷ mark cũng được cất giữ trong các hầm của ngân hàng trung ương ở Frankfurt.
Tổng cộng, con số này đã tăng lên khoảng 25 tỷ mark, gần tương đương tổng lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế Đức vào năm 1963.
Có lẽ tích trữ tiền là biện pháp cực đoan để ngăn chặn cuộc tấn công giả định, nhưng các nhà chức trách Đức đã dựa trên những bài học lịch sử.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức Quốc xã đã phát động Chiến dịch Bernhard, trong đó tù nhân tại trại tập trung phải sản xuất đồng bảng Anh giả để tung ồ ạt vào Anh.
Ông Bernd Kaltenhaueser, Chủ tịch văn phòng khu vực Rhineland-Palatinate và Saarland của Ngân hàng Bundesbank cho biết: “Lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là lo sợ tiền giả sẽ được tuồn qua Bức màn Sắt để gây thiệt hại cho nền kinh tế Tây Đức. Nhưng ngày nay, việc tạo ra loại tiền dự phòng kiểu này sẽ không còn có ý nghĩa nữa vì hiện có ít tiền giả hơn và ít thanh toán bằng tiền mặt hơn”.
Vào những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và công nghệ phát triển, người ta cho rằng đồng tiền thay thế không còn đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của Đức.
Đến năm 1989, năm Bức tường Berlin sụp đổ, toàn bộ số tiền thay thế nói trên đã được đưa ra khỏi boongke, xén nhỏ và đốt.