Bóng ma “chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung” đang có nguy cơ xuất hiện trở lại cùng với những động thái mới đây của phía Mỹ. Hai tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật đánh thuế hàng hóa của các nước mà họ coi là có hành vi thao túng tiền tệ - động thái mà theo giới phân tích là nhằm vào Trung Quốc, đối tác thương mại mà Mỹ thường chỉ trích về việc hạ giá đồng tiền. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Trung Quốc đang “làm trò” trong hệ thống thương mại quốc tế để giảm giá đồng nhân dân tệ, qua đó kích thích xuất khẩu của trong nước nhưng lại gây phương hại tới các doanh nghiệp Mỹ.
Như thường lệ, phía Trung Quốc cực lực phản đối nhận định này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Khúc cáo buộc việc Thượng viện Mỹ giúp sức cho chính phủ và các doanh nghiệp trả đũa Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và gây tổn hại quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch 365 tỷ USD năm 2010, tăng 23,1% so với năm 2009 và tăng gần 8,5 lần trong 16 năm qua. Chỉ riêng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc năm 2010 đã lên đến 273 tỷ USD. Tính theo tỷ trọng, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi hàng hóa đến từ Trung Quốc chiếm tới 19,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Các nhà lập pháp và chính phủ Mỹ đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng từ phía người dân, trong bối cảnh thất nghiệp trong nước tăng mạnh do hàng loạt ngành công nghiệp không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá rẻ. Phía Mỹ cho rằng để kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu từ Mỹ, Bắc Kinh đã in thêm tiền để mua vào đồng USD, qua đó ngăn chặn đồng nhân dân tệ lên giá. Tiếp theo, Trung Quốc cho vay lại chính những đồng USD này bằng cách mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Song song với thị trường tiền tệ, Trung Quốc còn thực hiện các biện pháp đồng bộ khác để kích thích xuất khẩu như hạn chế mua hàng nhập khẩu, thả lỏng tình trạng xâm phạm bản quyền, trợ giá các ngành công nghiệp xuất khẩu và áp dụng các biện pháp phi thuế quan nhằm gây khó dễ cho nhập khẩu. Với cuộc tổng tuyển cử 2012 đang đến gần, nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ tìm cách trút giận lên đối tác Trung Quốc về tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại trong nước.
Tuy nhiên, để Trung Quốc chấp nhận ngừng thực hiện các biện pháp nêu trên là điều vô cùng khó khăn. Rõ ràng kiểm soát tiền tệ và kích thích xuất khẩu là những biện pháp tối quan trọng để nền kinh tế này duy trì tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm qua. Tăng trưởng ở Trung Quốc chủ yếu nhờ vào đầu tư tài sản cố định (TSCĐ), không chỉ bất động sản mà còn bao gồm cả máy móc, thiết bị và hạ tầng phục vụ sản xuất. Giá trị đầu tư TSCĐ tăng liên tục 25% mỗi năm và đạt 2.830 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2011. Có được nguồn lực khổng lồ này ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn nhờ tỷ lệ tiết kiệm trong dân rất cao. Trước những rào cản kiểm soát vốn, người dân Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư ở trong nước. Nếu các công cụ kiểm soát tài chính bị dỡ bỏ, dòng vốn này sẽ chảy ra ngoài tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, đe dọa làm đình trệ tăng trưởng kinh tế. Xiang Songzuo, Phó Giám đốc Viện Tiền tệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, “các ngành xuất khẩu ở Trung Quốc sử dụng rất nhiều lao động, và xuất khẩu sụt giảm có thể gây ra thất nghiệp và tạo ra bất ổn xã hội rất nghiêm trọng”.
Trong khi chính phủ Trung Quốc đang phải lo công ăn việc làm và cơm ăn áo mặc cho hàng trăm triệu người dân nhằm tránh nguy cơ bất ổn xã hội, thì điều quan trọng nhất lúc này đối với các chính trị gia ở Mỹ là giành thật nhiều lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử năm tới. Những động thái mới nhất của cuộc tranh cãi tỷ giá tiền tệ Mỹ - Trung là cơn sóng báo hiệu một trận bão tố ngầm chảy trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi đó, chiến tranh tiền tệ sẽ biến thành tranh chấp thương mại, tranh giành tài nguyên, thôn tính doanh nghiệp, phá vỡ cam kết sở hữu trí tuệ và trả đũa chính trị.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)