Trong một chuyên mục của báo Wall Street Journal, bà Yellen cho biết Quốc hội Mỹ đã nâng hoặc đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công khoảng 80 lần kể từ năm 1960 và hiện cơ quan lập pháp này cần phải làm điều này một lần nữa. Nếu không, trong tháng 10 tới, số dư tiền mặt của Bộ Tài chính sẽ rơi xuống mức thấp, không đủ để chính phủ liên bang trang trải các chi phí. Theo bà Yellen, rất khó để dự đoán chính xác thời điểm xảy ra nguy cơ này và nếu Quốc hội không thể nâng trần nợ công, “thảm họa kinh tế” sẽ lan rộng. Theo đó, trong vài ngày tới, hàng triệu người dân Mỹ có thể rơi vào cảnh thiếu tiền mặt và chính phủ có thể chậm thanh toán các khoản quan trọng, trong đó các binh lính có thể không được trả lương trong một thời gian nhất định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cảnh báo việc cường quốc kinh tế số 1 thế giới rơi vào tình cảnh vỡ nợ có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử, khiến lãi suất tăng vọt, giá cổ phiếu giảm mạnh cùng các bất ổn tài chính khác. Nền kinh tế đang phục hồi hiện nay có thể chuyển sang suy thoái, kéo theo hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD bị mất, đặc biệt là nước Mỹ có thể trở thành “một quốc gia yếu hơn”. Do đó, bà Yellen cho rằng Quốc hội không thể chậm trễ trong việc tăng trần nợ công.
Trong thư gửi tới các nghị sĩ Mỹ hôm 15/9, Business Roundtable - một hiệp hội gồm hơn 200 giám đốc điều hành các công ty hàng đầu của Mỹ, cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ về nguy cơ khủng hoảng kinh tế nếu không nhanh chóng tăng mức trần nợ công.
Như một phần trong thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, được ban hành vào tháng 8/2019, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công đến hết ngày 31/7 vừa qua. Sau khi mức trần nợ được khôi phục vào ngày 1/8, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng "các biện pháp bất thường" để tiếp tục cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ. Mức trần nợ là tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có, trong đó có an sinh xã hội và phúc lợi y tế, cùng nhiều khoản khác.