Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập biện pháp răn đe Iran

Mỹ đã tái thiết lập một số răn đe đối với Iran mà vụ không kích bằng máy bay không người lái hôm 3/1 của Washington giết Tướng Qasem Soleimani ở thủ đô Baghdad, Iraq là một trong số đó. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại trụ sở Bộ Quốc phòng Iraq ở Baghdad, ngày 23/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trao đổi với báo giới ngày 8/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ rõ theo quan điểm của ông, việc Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhóm vũ trang Kataeb Hezbollah (một nhóm vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn) hồi tháng 12 và sau đó là vụ không kích tại sân bay quốc tế Baghdad dẫn đến cái chết của Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cho thấy Mỹ đã khôi phục một cấp độ răn đe "đối với họ" (ám chỉ Iran và Kataeb Hezbollah). Ông cho rằng thời gian sẽ đưa ra câu trả lời.

Liên quan đến vụ Iran tấn công tên lửa hai căn cứ quân sự tại Iraq có lính Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú, Bộ trưởng Quốc phòng Esper cho biết Tehran đã phóng 16 tên lửa tầm ngắn từ 3 địa điểm, chứ không phải 22 quả như phía Iran tuyên bố. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết có 11 tên lửa đã rơi trúng căn cứ Ain Al Assad và ít nhất 1 tên lửa trúng căn cứ gần Erbil. Phía Mỹ xác nhận vụ tấn công đã gây hư hại lều bạt, đường, bãi đỗ xe và 1 trực thăng. 

Cũng theo bộ trưởng, "hệ thống cảnh báo sớm" của Mỹ hoạt động hiệu quả, đã phát hiện sớm các tên lửa và cho phép binh sĩ rời đi để tránh thương vong. 

Trước đó, IRGC đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công bằng tên lửa nhằm đáp trả việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani. Mỹ, Iraq cùng một số nước có binh lính tham gia liên quân đều khẳng định không có thương vong trong các vụ tấn công này. 

Liên quan đến vụ 2 quả rocket tối 8/1 rơi xuống vùng Xanh ở thủ đô Baghdad - khu vực tập trung Đại sứ quán Mỹ và nhiều Đại sứ quán nước ngoài tại Iraq, Bộ trưởng Esper không đánh giá nghiêm trọng vụ việc này, coi đây là hành động phản kháng đơn thuần của các nhóm vũ trang, có thể do Iran chỉ đạo nhằm suy yếu sự hiện diện của Mỹ.

Lan Phương  (TTXVN)
Những kịch bản tiếp theo của xung đột Mỹ - Iran
Những kịch bản tiếp theo của xung đột Mỹ - Iran

Dù nguy cơ chiến tranh đã tạm thời qua đi, song vẫn còn đó một số kịch bản có thể đưa cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Mỹ đối đầu toàn diện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN