Chuyến thăm này là một phần của chuyến công du châu Phi tới bốn quốc gia, bao gồm Ai Cập, Bờ Biển Ngà và Togo. Đây đã trở thành một truyền thống ngoại giao giữa hai nước vào tháng 1 hàng năm.
Ông Vương Nghị đã được người đồng cấp Tunisia Nabil Ammar tiếp đón và dự kiến sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Gaza cũng như hợp tác trong các lĩnh vực y tế, năng lượng và công nghệ.
Trung Quốc gần đây đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế quy mô lớn về cuộc xung đột ở Gaza.
Bộ Ngoại giao Tunisia chia sẻ với báo giới vào ngày 12/1 rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị là bằng chứng cho thấy vị trí chiến lược mà quốc gia Bắc Phi này nắm giữ đối với Trung Quốc trong khu vực.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng trùng với dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tunisia.
“Tunisia tìm cách tăng cường mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và thiết lập quan hệ đối tác mới và đầy hứa hẹn trong một số lĩnh vực, điều này sẽ góp phần nâng cao quan hệ song phương lên mức cao nhất”, Tổng thống Tunisia Kais Saied cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 11/1 sau cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Tunisia cũng cho biết rằng chuyến thăm khẳng định cách tiếp cận chính sách đối ngoại của nước này, nhằm tìm cách đa dạng hóa các đối tác, bên cạnh những người bạn và đồng minh truyền thống.
Thông qua chuyến thăm, hai nước được cho là đang tìm cách hoàn tất thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao Tunisia và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Trung Quốc.
Thỏa thuận này nhằm mục đích thiết lập các dự án chung trong lĩnh vực y tế, năng lượng tái tạo và công nghệ truyền thông.
Ngày 11/7/2018, hai nước đã ký thỏa thuận về việc Tunisia tham gia Dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo sáng kiến này, Trung Quốc đã phân bổ khoảng 1 nghìn tỷ USD đầu tư và cho vay để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn ở các châu lục khác nhau.
Trước khi đến Tunisia, ông Vương Nghị đã đến thăm Ai Cập, nơi ông nhắc lại lập trường của đất nước mình về cuộc chiến Israel-Gaza và nói rằng “cộng đồng quốc tế nên lắng nghe cẩn thận những mối quan ngại chính đáng ở Trung Đông”.
“Trung Quốc kêu gọi triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế quy mô lớn hơn, có thẩm quyền hơn và hiệu quả hơn, xây dựng một thời gian biểu và lộ trình cụ thể để thực hiện ‘giải pháp hai nhà nước’”, người đại diện ngoại giao Trung Quốc nói với các nhà báo ở Cairo vào ngày 11/1 sau khi gặp người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có lời kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để giải quyết xung đột ở Dải Gaza.
Trong lịch sử, Trung Quốc thể hiện thiện chí với người Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Trung Quốc đã phát huy vai trò là nguồn tín dụng cho Tunisia và một số quốc gia châu Phi khác sau khi nước này gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FDA) về khoản vay cứu trợ.
The National News, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên hỗ trợ Tunisia chống lại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thông qua các khoản quyên góp liên tiếp, bao gồm vắc xin và thiết bị y tế, từ năm 2020 đến năm 2022.