Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài

Ngày 24/1, theo tờ Politico, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã ban hành lệnh tạm dừng chi tiêu đối với hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Động thái này gây bất ngờ và lo ngại sâu sắc trong nội bộ Bộ Ngoại giao, cũng như trong cộng đồng quốc tế.

Theo tài liệu nội bộ được tiết lộ, ông Marco Rubio yêu cầu tất cả các cơ quan ngoại giao và lãnh sự quán ngay lập tức dừng mọi hoạt động phân bổ ngân sách cho các chương trình viện trợ nước ngoài, bao gồm cả các khoản tài trợ đã được chính phủ phê duyệt trước đó. Tuy nhiên, lệnh này đưa ra một số ngoại lệ cụ thể.l, trong đó viện trợ quân sự dành cho Israel và Ai Cập vẫn được duy trì, phù hợp với các cam kết chiến lược lâu dài của Mỹ với hai quốc gia này. Ngoài ra, lệnh cũng cho phép tiếp tục hỗ trợ lương thực khẩn cấp để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách và đảm bảo giải ngân các chi phí hợp pháp đã được cam kết trước thời điểm ban hành lệnh, miễn là các chi phí này phù hợp với điều khoản của các hợp đồng hoặc chương trình đã ký kết.

Đáng chú ý, lệnh của ông Marco Rubio được đánh giá vượt xa sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, vốn chỉ yêu cầu tạm dừng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày để Ngoại trưởng xem xét. Lệnh của Tổng thống không nêu rõ liệu các khoản viện trợ quân sự đã được phân bổ có bị ảnh hưởng hay không nhưng quyết định của ông Marco Rubio dường như tác động trực tiếp đến viện trợ quân sự cho các đồng minh quan trọng như Ukraine, Jordan và Đài Loan.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cho rằng động thái này là bước đi mạnh tay nhất từng được thực hiện đối với viện trợ nước ngoài. Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc tạm dừng có thể dẫn đến các tranh chấp pháp lý nếu các hợp đồng tài trợ bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Việc tạm dừng viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh nước này vẫn đang đối mặt với cuộc xung đột kéo dài, đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Ông Mykola Murskyj - đại diện của tổ chức Razom tại Mỹ, bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ cho Kiev, bất chấp các thách thức từ tình hình quốc tế hiện nay, đồng thời không để những áp lực từ phía Nga làm ảnh hưởng đến cam kết hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

Không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh chiến lược, lệnh tạm dừng còn gây lo ngại lớn đối với các chương trình nhân đạo, như kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về cứu trợ AIDS. Bà Asia Russell - Giám đốc điều hành tổ chức Health GAP - cảnh báo rằng quyết định này có thể làm gián đoạn các chương trình xét nghiệm và điều trị HIV quan trọng tại châu Phi.

Lệnh này được sự ủng hộ của các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, như cố vấn Michael Needham và Giám đốc hoạch định chính sách Michael Anton. Theo hướng dẫn, Bộ Ngoại giao sẽ có 85 ngày để trình báo cáo kèm theo khuyến nghị của ông Marco Rubio lên Tổng thống Donald Trump nhằm xác định các chương trình viện trợ sẽ được tiếp tục hoặc chấm dứt.

Chính phủ Ukraine và các bên liên quan hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức về quyết định này. Trong khi đó, giới phân tích nhận định lệnh tạm dừng viện trợ là một tín hiệu rõ ràng về chính sách đối ngoại cứng rắn hơn của chính quyền Tổng thống Trump và nhấn mạnh mục tiêu tái định hình vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo RT/politico.com)
Mỹ đóng băng hầu hết các chương trình viện trợ trên thế giới
Mỹ đóng băng hầu hết các chương trình viện trợ trên thế giới

Ngày 24/1, Mỹ - nhà viện trợ lớn nhất thế giới – đã thông báo quyết định đóng băng hầu hết nguồn viện trợ của mình cho nước ngoài trên toàn cầu. Tuy nhiên, sắc lệnh này có ngoại lệ khi cho phép tiếp tục các chương trình cung cấp thực phẩm nhân đạo và viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN