Phái đoàn ECOWAS, do cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan dẫn đầu, đã họp kín với Đại tá Assimi Goita và các nhà lãnh đạo quân đội. Nội dung thảo luận được cho là tập trung vào các lệnh trừng phạt của ECOWAS áp đặt với Mali sau cuộc đảo chính.
Trước đó, trong ngày 22/8, hai bên đã có cuộc gặp ngắn trong vòng 30 phút ngay sau khi phái đoàn ECOWAS đến Bamako. Ông Jonathan cho biết các cuộc thảo luận đang tiến triển tốt, nhưng không cung cấp thêm thông tin liên quan.
Một nguồn tin trong phái đoàn ECOWAS cho biết chính quyền quân sự Mali muốn một cơ quan chuyển tiếp do quân đội lãnh đạo trong 3 năm và đã đồng ý trả tự do cho Tổng thống bị lật đổ Boubacar Keita.
Nguồn tin nêu rõ chính quyền quân sự muốn giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm để xem xét lại nền tảng của Nhà nước Mali. Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp này sẽ do một cơ quan đứng đầu là một người của quân đội lãnh đạo và quân nhân này cũng sẽ là người đứng đầu Nhà nước. Ngoài ra, chính phủ sẽ bao gồm chủ yếu là quân nhân.
Các binh sỹ nổi dậy ở Mali đã bắt giữ Tổng thống Keita và các thành viên khác của Chính phủ Mali sau cuộc binh biến ngày 18/8, trong bối cảnh quốc gia này đang phải gồng mình chống chọi với hoạt động nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan và sự bất bình của người dân đối với chính quyền. Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse hiện đang bị giam giữ tại căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô thủ đô Bamako.
ECOWAS gồm 15 nền kinh tế khu vực Tây Phi đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với cuộc đảo chính tại Mali. Hiện tại, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali, đồng thời đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại và ngăn chặn các dòng tài chính từ các nước trong khối đến Mali. Phái đoàn của ECOWAS đã đến Mali làm việc từ ngày 22/8.
Các nước láng giềng của Mali đã kêu gọi khôi phục quyền lực cho ông Keita, đồng thời khẳng định mục đích của phái đoàn ECOWAS là nhằm giúp khôi phục ngay lập tức trật tự hiến pháp. Ngày 21/8, Mỹ đã tuyên bố đình chỉ viện trợ quân sự cho Mali, bao gồm không đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng quân sự tại Mali.