Từ khi dịch COVID-19 khởi phát năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, mọi người thường gọi căn bệnh làm chao đảo thế giới này là “coronavirus”. Giờ đây, năm 2021, khi chúng ta bàn về vấn đề này, không chỉ có chủng virus SARS-CoV-2 gốc mà còn vô số đột biến mọc lên "như nấm sau mưa" của nó.
Hồi tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định đặt tên các biến thể chính bằng ký tự Hy Lạp. Từ đó đến nay, biến thể Delta đã “thống trị” số ca mắc mới toàn thế giới. Hiện tại, chúng ta còn có cách đặt tên kết hợp giữa chữ cái Alphabet và số để phân biệt sự khác biệt giữa các biến thể phụ.
Tháng trước, Anh ban bố cảnh báo mức cao về biến chủng AY.4.2 của Delta đang lây lan với tốc độ nhanh. Tuần trước, Na Uy phát hiện thêm một phiên bản khác của chủng Delta là AY.63. Giới chuyên gia nước này cho biết biến thể phụ trên không nguy hiểm hơn Delta. Trong khi đó, một chủng khác của SARS-CoV-2 là B.1.640, được phát hiện tại Pháp đã dẫn các nhà nghiên cứu đến một bất ngờ tồi tệ. Họ nói rằng chưa từng thấy những đột biến giống như vậy.
Giáo sư David Dockrell tại Trung tâm Nghiên cứu Viêm thuộc Đại học Edinburgh (Scotland), đã mô tả với kênh truyền hình RT về các lý do dẫn đến sự đột biến liên tục của virus SARS-CoV-2, phần nào dự báo về thời điểm đại dịch sẽ kết thúc trong tương lai.
Ông giải thích: “Các phần của virus có nhiều khả năng thay đổi là những khu vực tiếp xúc với cái mà chúng ta gọi là ‘áp lực chọn lọc’, hay yếu tố khiến chúng cần phải thay đổi. Vì vậy, một phiên bản khác của virus mà đột biến và thay đổi giúp nó thoát khỏi hệ miễn dịch - có nhiều khả năng phát triển mạnh và trở thành một chủng vượt trội”. Theo đó, SARS-CoV-2 đang cố gắng thay đổi gai protein để ngăn cản phản ứng miễn dịch (của kháng thể hoặc tế bào T) nhằm gia tăng khả năng sống sót.
COVID-19 dường như vẫn nhanh chân hơn so với nỗ lực ngăn chặn chúng. Tuy vậy, Giáo sư Dockrell vẫn có tin vui cho chúng ta. SARS-CoV-2 không thể "sao chép ngược" theo hướng đảo ngược từ DNA sang RNA giống như HIV và retrovirus để tiến hóa.
Một điều quan trọng khác, khi virus biến đổi, chúng cũng phải “trả giá”. Nhiều thay đổi lại không hề có lợi cho sự sống sót của nó. Do vậy, virus chỉ có thể thực hiện một số lần đột biến có lợi nhất định, trước khi quá trình này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của nó.
Không may, hiện nay, chúng ta vẫn đang ở trong một giai đoạn mà COVID-19 có thể tiếp tục tiến hóa và biến đổi. Dù vậy, chúng ta chưa cần phải lo sợ bởi vì các chính phủ trên thế giới đã áp dụng hàng loạt biện pháp khác nhau để thích ứng với những chiến lược chống COVID-19 mới nhất.
Giáo sư Dockrell khẳng định, trước tiên, người dân nên tiếp tục tiêm vaccine ngừa bệnh - có thể là tiêm liều tăng cường - tương tự cách đối phó với cúm là sử dụng một loại vaccine phòng cúm theo mùa và thay đổi nó mỗi năm.
Ngoài ra, chúng ta có thể điều chỉnh một số biện pháp điều trị giống như kháng thể đơn dòng chống lại virus SARS-CoV-2, vì chúng cũng có thể bị hạn chế bởi sự xuất hiện của một virus đột biến gai protein mới.
Nghe có vẻ đầy hứa hẹn nhưng liệu chúng ta có rơi vào một cuộc chạy đua không bao giờ kết thúc chống lại các đột biến liên tục xuất hiện hay không?
Theo Giáo sư Dockrell, virus có những phần được các nhà khoa học gọi là “khu vực bảo tồn”, nơi virus rất khó để thay đổi. Cùng với thời gian, vaccine và kháng thể đơn dòng sẽ được phát triển để nhắm mục tiêu tấn công vào những khu vực này.
“Rõ ràng, hướng khắc phục là phát triển các vaccine có hiệu quả phòng ngừa nhiều biến thể khác nhau hơn, hoặc các kháng thể đơn dòng sẽ nhắm mục tiêu vào các khu vực bảo tồn hơn và do đó sẽ ít bị hạn chế hơn bởi khả năng tiến hóa và thay đổi của các chủng virus”, ông kết luận.