Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ở 48.440 người trưởng thành tại Mỹ mắc COVID-19 từ tháng 1-10/2020. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 47 tuổi và 60% là phụ nữ. Chỉ số cân nặng (BMI) trung bình của họ là 31 (chỉ số trên 30 là thừa cân). Khoảng 50% trong số bệnh nhân này không có các bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh tim hay thận; gần 20% mắc một bệnh lý nền và hơn 30% có từ 2 bệnh lý nền trở lên.
Tất cả các bệnh nhân báo cáo mức độ hoạt động thể chất thường xuyên của họ ít nhất 3 lần trong thời gian từ tháng 3/2018 – 3/2020. Theo đó, khoảng 15% nói rằng họ ít tập thể dục (0-10 phút/ tuần); gần 80% có hoạt động thể chất một chút (11-149 phút/tuần) và 7% hoạt động đều đặn theo khuyến nghị về sức khỏe (150 phút trở lên/tuần).
Kết quả cho thấy những người không hoạt động thể chất trong ít nhất 2 năm trước khi đại dịch bùng phát có nguy cơ phải nhập viện, cần điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) và tử vong cao hơn. Mặc dù khác biệt về chủng tộc, tuổi tác và bệnh lý nền, những bệnh nhân COVID-19 ít vận động có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với những người năng vận động nhất. Nhóm trên cũng có nguy cơ cần điều trị tại ICU cao hơn 73% và có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần. So với những bệnh nhân hoạt động thể chất nhưng không thường xuyên, những bệnh nhân lười vận động có nguy cơ nhập viện cao hơn 20%, nguy cơ phải điều trị tại ICU cao hơn 10% và nguy cơ tử vong cao hơn 32%.
Các tác giả nghiên cứu kết luận việc không hoạt động thể chất là yếu tố rủi ro nhất trong số những yếu tố rủi ro có thể thay đổi khác như hút thuốc lá, chứng tăng huyết áp hoặc béo phì. Đây cũng là yếu tố rủi ro khiến bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng chỉ sau yếu tố tuổi tác và tiền sử cấy ghép nội tạng.
Tuy nhiên, theo các tác giả, nghiên cứu mới trên dựa vào quan sát và thống kê, không thể được xem là bằng chứng trực tiếp cho thấy ít vận động dẫn đến kết quả khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng tùy thuộc vào việc cung cấp thông tin chính xác của bệnh nhân.