Bế tắc chính trị ở Italia chưa có lối thoát

Bế tắc chính trị ở Italia diễn biến trầm trọng hơn do các đảng phái chính tỏ ra “bất hợp tác” trong việc thành lập chính phủ mới sau khi cuộc tổng tuyển cử vừa qua không đảng nào giành được đa số ở Thượng viện.

Đảng Dân chủ theo hướng trung tả (chiếm được nhiều ghế nhất sau bầu cử) và đảng Phong trào 5 sao (M5S – đứng thứ ba về số ghế) ngày 28/2 đã tranh cãi gay gắt và dường như không thể tìm được tiếng nói chung trong việc liên minh để thành lập chính phủ mới. Trên trang Blog của mình, thủ lĩnh đảng M5S, danh hài Beppe Grillo, cho biết M5S sẽ không tín nhiệm Dân chủ vì những đề xuất không thích hợp. Ông Grillo, người không ủng hộ các chính sách khắc khổ của chính phủ Italia, gợi ý đảng Dân chủ nên liên danh với Liên minh trung hữu (về nhì) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi để thành lập chính phủ lâm thời trước khi kêu gọi cuộc tổng tuyển cử mới.
Tuyên bố này của ông Grillo được xem là "gáo nước lạnh" dội vào đề xuất trước đó của đảng Dân chủ muốn phối hợp với M5S để thực hiện những biện pháp cốt lõi như giảm chi tiêu của chính phủ và giúp những người nghèo nhất vượt qua thời kỳ suy thoái hiện nay.

 

Lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao, danh hài Beppe Grillo trong vòng vây của báo chí Italia. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Đáp lại tuyên bố trên của danh hài chuyển sang làm chính trị Grillo, thủ lĩnh đảng Dân chủ Pier Luighi Bersani nói: “Nếu ông Grillo có điều gì đó muốn nói với tôi, gồm cả những lời chỉ trích, tôi muốn nghe điều đó ở trước Quốc hội”.


Trong khi đó, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người đứng đầu liên minh trung hữu, cho rằng việc chờ đến khi công bố kết quả bầu cử chính thức và Quốc hội khóa mới nhóm họp mới bắt đầu đàm phán về thành lập chính phủ mới là quá muộn, đồng thời cảnh báo nếu các bên không phát tín hiệu ổn định trước khi đàm phán thì Italia sẽ phải "trả giá đắt". Dự kiến sau khi kết quả bầu cử được công bố chính thức, Quốc hội khóa mới sẽ họp ngày 15/3 theo đề xuất của Tổng thống Giorgio Napolitano.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố trên trang điện tử của Bộ Nội vụ Italia, Liên minh trung hữu giành được 116 ghế trong tổng số 315 ghế tại Thượng viện, tiếp đó là Liên minh trung tả 113 ghế, đảng Phong trào 5 sao được 54 ghế và Liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti 18 ghế. Mức đa số tối thiểu để kiểm soát Thượng viện là 158 ghế.


Theo các chuyên gia phân tích, dù cho đảng Dân chủ có nhận được sự đồng ý của các đảng khác để thành lập được chính phủ mới, thì tình hình chính trị ở Italia sẽ vẫn “rất bất ổn”. Ngân hàng lớn nhất của Italia, Intesa Sanpaolo cảnh báo tình trạng chính phủ “treo” và chính trị bất ổn ở nước này sẽ tiếp tục kéo dài trong vài tuần tới. Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Confindustri của Italia, ông Giorgio Squinzi dự báo 6 tháng tới sẽ là những ngày tháng tồi tệ nhất đối với kinh tế Italia bởi cuộc khủng hoảng sẽ lên đến đỉnh điểm. Ông cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia đã giảm 8,1% kể từ năm 2007 và 3,2 triệu người bị mất việc làm. “Các chính trị gia cần phải tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội cuối cùng”, ông nói.


Mới đây, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng của Italia do kết quả bầu cử làm tăng nguy cơ tê liệt chính trị và kéo dài tình trạng bất ổn ở nước này. Theo Moody's, kết quả bầu cử không chỉ tác động đến Italia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế khó khăn khác trong Eurozone.


Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 28/2 nhân chuyến thăm tới Rôma, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn tỏ ra lạc quan khi nói rằng Italia sẽ vượt qua những bất ổn hậu bầu cử. “Cá nhân tôi tự tin về khả năng và mong muốn của Italia vượt qua những kết quả phức tạp của cuộc bầu cử”.


Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN