Bầu cử quốc hội Libi: Liệu có giúp hòa giải đất nước?

Gần một năm sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy có sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày 7/7, Libi sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên trong gần 50 năm qua. Đây là cuộc bầu cử đặc biệt quan trọng, bởi nó giúp định hình nhà nước Libi mới sau giai đoạn chuyển tiếp từ “nước Libi cũ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính phủ lâm thời phải vật lộn để thực thi quyền lực và đảm bảo hòa bình giữa các nhóm sắc tộc, thì sự thù địch có từ lâu đời, các cộng đồng bị chia rẽ và vũ khí tràn lan vẫn đang khiến đất nước Bắc Phi này chưa một ngày được yên bình kể từ khi chính quyền cũ bị lật đổ tháng 8/2011. An ninh và những đe dọa tẩy chay bầu cử của các bộ tộc thực sự là những thách thức không nhỏ đe dọa sự thành công của cuộc bầu cử quan trọng này và khiến Libi đối mặt với “bước ngoặt mới” trong nỗ lực xây dựng một quốc gia độc lập và cố kết.


Cuộc bầu cử quan trọng


Lần cuối cùng người dân Libi đi bỏ phiếu là vào năm 1964, dưới thời Vua Idriss, người bị cố Đại tá Kadhafi lật đổ 5 năm sau đó và suốt 42 năm cầm quyền của ông Kadhafi, các đảng phái bị cấm và các thể chế chính trị gần như không tồn tại.

Áp phích quảng bá cho cuộc bầu cử quốc hội Libi được chăng đầy trên một đường phố ở thủ đô Tripôli. Ảnh: Internet


Ngày 7/7 này, hơn 2,7 triệu người, chiếm 80% số cử tri hợp lệ ở Libi đi bỏ phiếu. Đối với phần lớn cử tri Libi thì đây là lần đầu tiên trong đời họ được cầm lá phiếu trong tay. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, bước quan trọng tiến tới hoàn tất giai đoạn chuyển tiếp ở Libi, trong mấy tháng qua, hàng chục chính đảng cũng nhanh chóng được thành lập. Ủy ban bầu cử đã công bố danh sách gần 4.000 ứng cử viên, trong đó có trên 2.500 ứng cử viên độc lập chạy đua vào 120 ghế và hơn 1.200 ứng cử viên được đề cử từ 142 nhóm và đảng chính trị vào 80 ghế còn lại của quốc hội.


Sau cuộc bầu cử này, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC), lãnh đạo nước này kể từ khi chiếm quyền, sẽ bị giải tán. Quốc hội mới được bầu với 200 nghị sỹ sẽ có nhiệm vụ bổ nhiệm một chính phủ mới thay thế chính phủ lâm thời của Thủ tướng Abdurrahim El-Keib và ban hành luật pháp. Quốc hội cũng sẽ bầu ra một ủy ban để soạn thảo hiến pháp và khi hiến pháp mới được phê chuẩn thông qua một cuộc trưng cầu ý dân, quốc hội sẽ lại lên lịch trình cho một vòng bầu cử mới vào năm 2013.


Tuy nhiên, cuộc bầu cử quan trọng này đang phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay. Từ hai tháng trước đó, một hội đồng tự xưng đòi tự trị cho tỉnh Cyrenaica, tỉnh sản xuất dầu lửa ở miền đông Libi, đã kêu gọi người dân trong khu vực tẩy chay cuộc bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử không thể đưa ra những đại diện xứng đáng cho khu vực miền đông. Một số lãnh đạo các tỉnh ở miền đông cũng kêu gọi người dân “đứng ngoài” cuộc tổng tuyển cử vì muốn nước Libi mới theo mô hình phân vùng bán tự trị, đồng thời để phản đối sự phân bổ số ghế trong quốc hội không đồng đều giữa các khu vực.


Người đứng đầu bộ tộc Tabu ở miền nam Libi ngày 1/7 đã kêu gọi người dân tẩy chay bầu cử nếu chính phủ không rút quân và xe tăng vốn được triển khai tới khu vực này để ngăn chặn các vụ đụng độ làm hàng chục người chết những ngày trước đó. Lực lượng vũ trang ở miền tây Libi, từng thực hiện vụ chiếm giữ sân bay quốc tế Tripôli tháng trước, đã công khai tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử với lý do chưa thể có bầu cử một khi đất nước chưa ổn định.


An ninh bị đe dọa


Kể từ khi chế độ của cố lãnh đạo Kadhafi bị lật đổ, tình hình an ninh tại Libi vẫn bất ổn bởi các cuộc xung đột bộ tộc, biểu tình đòi quyền tự trị, các vụ tấn công của các nhóm vũ trang chống chính phủ lâm thời và người nước ngoài xảy ra thường xuyên, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, làm hàng nghìn người bị thương, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, hủy hoại nhiều công trình, cơ sở vật chất.


Mới đây nhất, ngày 1/7, một tuần trước cuộc bầu cử, khoảng 300 người biểu tình vũ trang đòi quyền tự trị lớn hơn cho khu vực miền đông Libi đã xông vào văn phòng Ủy ban bầu cử quốc gia tại thành phố Benghazi, đốt các tài liệu bầu cử, đập phá các thiết bị máy tính trong tòa nhà. Những người biểu tình này đòi duy trì chế độ liên bang, yêu cầu sự công bằng trong phân bổ số ghế quốc hội giữa miền đông và miền tây. Trước đó, NTC đã phân bổ cho Tripôli 102 ghế, trong khi khu vực miền đông chỉ được 38 ghế với lý do dựa theo dân số của từng khu vực.


Nhiều nhà phân tích nhận định, tình hình bạo lực tại Libi có nguy cơ leo thang và ảnh hưởng tới cuộc bầu cử nếu chính phủ lâm thời không thể tước vũ khí của các tay súng và tăng cường bộ máy tư pháp. Nhà phân tích George Joffe, làm việc tại Tạp chí nghiên cứu Bắc Phi, nhận định Libi đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó mối nguy an ninh có thể làm chệch hướng quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này và ngăn chặn việc tổ chức hiệu quả cuộc bầu cử. Thực tế, cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch đáng lẽ diễn ra ngày 19/6 vừa qua, song đã phải hoãn lại đến ngày 7/7 do xung đột bùng phát mạnh ở một số tỉnh miền đông và tây nam.


Giống như phần lớn các cuộc đối đầu xảy ra ở Libi, xung đột giữa các bộ tộc tại khu vực miền đông hay tây nam đôi khi chỉ xuất phát từ những rắc rối nhỏ và nhanh chóng leo thang do vắng bóng lực lượng an ninh.


Do thiếu lực lượng quân đội, NTC đã phải vật lộn để thuyết phục nhiều lực lượng dân quân trên khắp nước, từng chiến đấu chống lại ông Kadhafi, tham gia vào lực lượng vũ trang và cảnh sát. Trong khi đó, việc tước vũ khí của các tay súng, những người đang kiểm soát nhiều vị trí chiến lược và thực hiện nhiều công việc từ kiểm soát giao thông tới tuần tra biên giới, là vấn đề then chốt để tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, thì NTC lại tỏ ra bất lực và hội đồng cầm quyền này chỉ được xem như “con hổ giấy” về mặt chính trị. NTC cũng nhận thức được rằng khôi phục trật tự ở khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của khu vực khác, song trong khi chính phủ bận bịu với việc đảm bảo hòa bình ở tỉnh này, thì lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới khi một cuộc chiến khác nổ ra... và cứ thế, việc duy trì an ninh dường như là quá sức đối với chính quyền lâm thời ở Libi.


Nếu nhiều cử tri Libi hưởng ứng những lời kêu gọi tẩy chay bầu cử, hoặc cho rằng cuộc bầu cử không được tổ chức công bằng, hay vì quá lo ngại vấn đề an ninh mà không đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử ngày 7/7 sẽ bị mất tính hợp pháp, có nguy cơ đẩy đất nước Libi vào vòng bất ổn mới. Thất bại của cuộc bầu cử cũng sẽ là “tín hiệu rất xấu” cho người dân Libi, cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư, những người có khả năng thúc đẩy hoặc cản trở sự phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN