Bầu cử Mỹ: Ông Obama tham gia vận động tranh cử tại các bang chiến địa

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ và đảng Dân chủ đang đối mặt nguy cơ để mất quyền kiểm soát lưỡng viện, đảng này đã đề nghị cựu Tổng thống Barack Obama tham gia vận động tranh cử tại các bang chiến địa.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự kiến ông Obama sẽ tới bang Georgia vào ngày 28/10, tiếp đến là Wisconsin, Nevada và Pennsylvania, tất cả đều là những bang chiến địa trong cuộc bầu cử vào ngày 8/11 tới. Đây đều là những bang các ứng viên đảng Cộng hòa có phần chiếm ưu thế trong cuộc đua vào Thượng viện. Các nghị sĩ Cộng hòa hiện chỉ cần có thêm 1 ghế trong Thượng viện để giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này, với hai bang Georgia và Nevada là những mục tiêu hàng đầu. Đảng Cộng hòa cũng đang có lợi thế tương tự tại Hạ viện.

Việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sẽ gây khó khăn cho việc thông qua chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden, cản trở việc bổ nhiệm nhân sự của ông, bao gồm các vị trí thẩm phán liên bang, hay mở cuộc điều tra đối với chính quyền đương nhiệm.

Theo khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos, tỷ lệ ủng hộ ông Biden hiện dao động quanh mức 39%. Nhà phân tích bầu cử Jacob Rubashkin của Inside Elections nhận định do ông Biden từng là Phó Tổng thống dưới thời ông Obama trong suốt 2 nhiệm kỳ, trong mắt cử tri, ông Obama sẽ là "đại sứ" tốt nhất bởi chính trị gia này nhận được nhiều sự ủng hộ tại các bang chiến địa và ít liên quan đến các vấn đề hiện nay. Ngoài 4 bang trên, ông Obama cũng sẽ tới bang Michigan.

Trong khi đó, Tổng thống Biden sẽ tới bang Florida vào tuần tới để kêu gọi cử tri ủng hộ cho nghị sĩ đảng Dân chủ Charlie Crist, người hiện đang phải cạnh tranh với ứng viên Ron DeSantis của đảng Cộng hòa. Tiếp đó, ông sẽ cùng ông Obama tham dự các sự kiện tại bang Pennsylvania vào ngày 5/11.

Theo trang Dự báo bầu cử Mỹ, tỷ lệ cử tri đi bầu đã lên mức kỷ lục trong 2 cuộc bầu cử liên bang vừa qua và con số này vẫn ở mức cao trong năm nay với hơn 12 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm. Mục tiêu hàng đầu của ông Obama sẽ là huy động sự ủng hộ các cử tri da màu, cử tri trẻ tuổi và gốc Latinh. Trước đó, trong tuần này, ông Obama đã đăng lên mạng xã hội video khuyến khích thanh niên Mỹ đi bỏ phiếu.

Giáo sư khoa học chính trị Andra Gillespie tại Đại học Emory ở Atlanta khẳng định các cử tri Mỹ gốc Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng cơ hội giành chiến thắng của đảng Dân chủ. Sự tham gia của ông Obama sẽ giúp thể hiện tầm quan trọng của họ và thu hút những lá phiếu khác. Tuy nhiên, đảng Dân chủ vẫn cần phải cân nhắc thêm chiến lược bởi khảo sát gần đây cho thấy các ứng viên đảng Cộng hòa đang giữ ưu thế tại nhiều bang.

Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 4 năm, Hạ nghị sĩ nhiệm kỳ 2 năm, Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, cứ mỗi 2 năm, vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 1/3 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 11 của năm bầu cử. Do đó, cuộc bầu cử năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới để bầu lại tất cả 435 ghế Hạ nghị sĩ, 35/100 ghế Thượng nghị sĩ và 36 Thống đốc bang cùng hàng loạt cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Từ ngày 28/10, cử tri tại một số bang có thể được phép đi bỏ phiếu sớm.

Đặng Ánh (TTXVN)
Phút cuối tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump ra lệnh giải mật thông tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Phút cuối tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump ra lệnh giải mật thông tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Trước khi rời Nhà Trắng vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu giải mật nhiều tài liệu then chốt liên quan đến chiến dịch do thám do thám của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đối với hoạt động tranh cử của ông trong năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN