Bất ổn chính trị cản trở phục hồi kinh tế Italy

Tình trạng bất ổn định chính trị ở Italy đang gây cản trở cho các nỗ lực của quốc gia hình chiếc ủng nhằm thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Đó là phát biểu của Uỷ viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn ngày 17/9 tại Uỷ ban Ngân sách Thượng viện Italy, được hãng tin ANSA đưa.

Ông Olli Rehn. Ảnh: Internet


Ông Olli Rehn cho rằng tình hình kinh tế Italy hiện vẫn còn có các dấu hiệu yếu kém và những bất ổn chính trị đang kìm hãm đầu tư. Bên cạnh đó, quyết định gần đây của Chính phủ Italy liên quan đến vấn đề cải cách thuế cũng đang gây nên những nguy cơ cho quốc gia này.

Cảnh báo của ông Olli Rehn được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ liên minh tả-hữu mong manh do Thủ tướng Enrico Letta đứng đầu đang có nguy cơ sụp đổ do tác động của việc Tòa án Tối cao hồi tháng trước ra phán quyết kết tội gian lận thuế đối với lãnh đạo phe trung hữu, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Đảng Nhân dân Tự do (PDL) của ông Berlusconi dọa sẽ rút lui sự ủng hộ đối với chính phủ đương nhiệm và hạ bệ chính phủ này nếu đảng Dân chủ (PD) trung tả của ông Letta bỏ phiếu tán thành việc tước bỏ chức danh Thượng nghị sĩ của ông Berlusconi trong cuộc bỏ phiếu tại một ủy ban Thượng viện, dự kiến diễn ra trong ngày 18/9.

Ngân hàng Trung ương Italy hồi tuần trước nhận định Italy có nguy cơ không đạt được mục tiêu về thâm hụt ngân sách của năm nay và một trong những nhân tố cản trở mục tiêu này là việc Chính phủ Letta quyết định sẽ xóa bỏ loại thuế bất động sản (IMU), bắt đầu từ năm 2014 và dự kiến thay thế bằng một loại “thuế dịch vụ” mới.

Chính phủ Italy gần đây đã nâng dự báo tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP cho năm 2013 từ 2,9% lên 3%, mức quy định mà các nước thuộc Liên minh Châu Âu không được phép vượt quá, tiếp sau quyết định sẽ bãi bỏ thuế IMU.

Hồi tháng 5, Uỷ ban Châu Âu đã đưa Italy ra khỏi danh sách những nước có thâm hụt ngân sách quá mức sau khi thâm hụt ngân sách của Italy chỉ đứng ở mức 3% hồi năm ngoái và được chính phủ nước này dự báo sẽ giảm xuống còn 2,9% trong năm nay.

Liên quan đến vấn đề thâm hụt ngân sách, ông Rehn cảnh báo EC sẽ không ngần ngại đưa Italy trở lại danh sách những nước bị “tuýt còi” nếu thâm hụt ngân sách của Italy lại vượt quá 3%. Ông Rehn được dẫn lời nói: “Nếu ngưỡng thâm hụt 3% bị phá vỡ, việc xem xét đưa Italy vào danh sách những nước có thâm hụt quá mức sẽ được tái khởi động".


Ngự Bình (Pv TTXVN tại Italy)

Kinh tế Italy tiếp tục suy thoái
Kinh tế Italy tiếp tục suy thoái

Các số liệu chính thức do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (Italia- ISTAT) công bố ngày 10/9 cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã sụt giảm 0,8%, cao hơn chút ít so với mức dự đoán 0,7% được đưa ra hồi tháng trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN