Trước đây, các tập đoàn thương mại lớn về dầu, chủ yếu có trụ sở tại Thụy Sĩ, đã xuất khẩu xăng và dầu diesel chất lượng thấp sang các nước Tây Phi (Ghana, Nigeria, Cameroon…) từ các cảng châu Âu như Rotterdam, Amsterdam (Hà Lan) hoặc Antwerp (Bỉ). Việc xuất khẩu này được thực hiện thông qua pha trộn các sản phẩm tinh chế bán thành phẩm và hóa chất tạo thành hỗn hợp được gọi là "chất lượng châu Phi" một cách mỉa mai.
Loại nhiên liệu giá rẻ này chứa hàm lượng cao các chất đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe người dân địa phương và môi trường, như lưu huỳnh, benzen và mangan. Tại châu Âu, những loại hóa chất này bị cấm bán do các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Trước khi Bỉ quyết định cấm việc xuất khẩu "diesel bẩn" này, Chính phủ Hà Lan cũng đã đưa ra lệnh cấm tương tự có hiệu lực từ tháng 4/2023.
Các báo cáo cho thấy cảng Rotterdam, Amsterdam và Antwerp của Hà Lan chiếm 50% lượng xuất khẩu nhiên liệu từ châu Âu sang châu Phi, với tỷ lệ 50 - 50 giữa hai cảng của Hà Lan và Bỉ. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực ở Hà Lan, Antwerp đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu nhiên liệu trên.
Lệnh cấm xuất khẩu "diesel bẩn" của Bỉ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu các bệnh về đường hô hấp và ung thư do hít phải khí thải từ những loại nhiên liệu này, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, lệnh cấm "diesel bẩn" cũng ngăn việc các nước châu Phi trở thành điểm đến cho những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn châu Âu.