Bài viết đánh giá cao môi trường và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và đối mặt với một loạt các thách thức lớn chưa từng có, từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung Quốc, tình trạng trì trệ của thương mại, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ và các điểm nóng xung đột khắp toàn cầu.
Trong bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp đang phải cân nhắc, chọn lựa các địa điểm đầu tư, chuyển đổi cơ sở sản xuất, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và quy trình hoàn thiện hàng hóa. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có điều kiện chính trị ổn định, nền kinh tế mở, cùng nguồn lao động dồi dào, thị trường nội địa đủ lớn… đặc biệt là quan hệ tốt với các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang là sự lựa chọn lý tưởng của các nhà đầu tư.
Dựa trên những điều kiện chung nêu trên, Việt Nam có thể nói đang là ứng cử viên hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong một trật tự thế giới không ngừng biến động hiện nay. Quốc gia này vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào tháng 2 vừa qua và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Việt Nam có một thị trường nội địa đủ lớn với hơn 97 triệu dân, nguồn lao động dồi dào bởi độ tuổi trung bình rất trẻ chỉ 31 tuổi và đặc biệt ngày càng có trình độ.
Nền kinh tế Việt Nam được khẳng định là nền kinh tế mở, khi nước này tham gia hầu hết những hiệp định thương mại tự do đa phương trong khu vực và thế giới. Chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ tháng 1/2007, Việt Nam hiện nay đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trong số đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một FTA thế hệ mới có mức thuế quan cắt giảm sâu với sự tham gia của 11 nước chiếm 13,5% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Australia.
Việt Nam cũng đang chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU) và đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại bao trùm khu vực rộng lớn gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 nền kinh tế lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, có 3 tỷ người và chiếm tới 40% tổng thương mại toàn cầu.
Giữa Việt Nam và Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ký Hiệp định thương mại song phương từ năm 2000. Hiện, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam xét chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối với Mỹ, Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hơn 20%.
Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, tăng trưởng GDP Việt Nam đã đạt mức 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008 và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Báo cáo của ngân hàng DBS Bank thuộc Singapore công bố gần đây dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029.
Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam so với khu vực được đánh giá thuộc nhóm dẫn đầu. Thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức 20% - gần như thấp nhất tại Đông Nam Á, cùng nhiều ưu đãi đầu tư theo từng lĩnh vực, vùng, miền.
Trong Sách Trắng lần thứ 11 năm 2019, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định kể từ khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại
Ngoài thế mạnh về nguồn lao động, thị trường, độ mở của nền kinh tế, cùng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, kinh doanh, Việt Nam còn là quốc gia được đánh giá có chính trị ổn định, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện. Việt Nam cũng có một vị trí địa chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, nằm trải dài ven Biển Đông, tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.
Những thuận lợi trên, đi kèm với đường lối đối ngoại cởi mở đã giúp vị thế của Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam có quan hệ đối tác với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc, đối tác chiến lược với Anh, Pháp và đối tác toàn diện với Mỹ. Dù không phải là thành viên của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và G20, song với vị thế và vai trò ngày càng quan trọng, Việt Nam là một trong những thành viên thường xuyên được mời tham gia các hội nghị thượng đỉnh G7, G20 mở rộng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản từ ngày 28 - 29/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia với một vai trò quan trọng, khẳng định vị trí của Việt Nam là một quốc gia tiềm năng, một đối tác tin cậy trong tình hình thế giới đầy biến động hiện nay.
Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản - Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng tại châu Á khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe.
Nhân chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn có các hoạt động thiết thực, hiệu quả khác như dự Hội nghị xúc tiến đầu tư – thương mại Việt Nam - Nhật Bản, gặp gỡ những tri thức Việt Nam hàng đầu tại Nhật Bản để lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng quê hương.
Việt Nam đang thể hiện là một quốc gia lý tưởng thu hút các nguồn lực đầu tư, kinh doanh từ nước ngoài, đồng thời cũng là quốc gia trách nhiệm, có ảnh hưởng và tham gia ngày càng sâu vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới.