Kiểm tiền ruble tại Moskva. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nói trên là do Chính phủ Nga buộc phải sử dụng quỹ dự trữ để duy trì hoạt động, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đang rơi vào bế tắc. Chính quyền của Tổng thống Putin cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ tài chính cho các công ty trong nước khi mà nguồn vốn từ bên ngoài bị chặn lại do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào nước Nga.
Chính phủ Nga đã trích một phần từ nguồn thu dồi dào của thuế tài nguyên và xuất khẩu dầu mỏ vào Quỹ dự trữ - vốn được sử dụng vào thời điểm thiếu hụt – và Quỹ phúc lợi quốc dân. Đây là hai quỹ đóng vai trò quan trọng giúp Chính phủ Nga thực hiện các chính sách kích thích kinh tế khổng lồ khi tăng trưởng GDP của nước này rơi xuống mức âm 7,9% trong năm 2009.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Trung ương Nga, chính phủ nước này, trong khoảng thời gian từ tháng 1-10/2015 đã sử dụng 1.560 tỷ ruble (1 USD = 76 ruble) từ Quỹ dự trữ để chi dùng. Dự kiến trong năm 2016, quỹ này cũng sẽ bị rút thêm khoảng 2.137 tỷ ruble. Với tốc độ sử dụng như hiện nay, Chính phủ Nga sẽ phải rút tiền từ Quỹ phúc lợi quốc dân. Và đến năm 2019, cả hai quỹ này đều sẽ cạn kiệt.
Những diễn biến mới đây đã xấu hơn so với những gì Chính phủ Nga từng lạc quan tính toán. Ngân sách năm 2016 của Chính phủ Nga được tính toán hồi tháng 10/2015 trên cơ sở giá dầu thô trên thị trường quốc tế ở mức 50 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thế giới hiện đã để tuột mốc 32 USD/thùng. Nếu mức giá này kéo dài, nguồn thu thực tế từ thuế tài nguyên, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ thấp hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu.
Khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài do lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây khiến ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nga yêu cầu chính phủ hỗ trợ tài chính. Theo nguồn tin của Sankei, ngay cả những tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga là Rossnef và Novatek cũng đã phải đệ đơn yêu cầu chính phủ hỗ trợ.
Một quan chức hàng đầu của Chính phủ Nga cho rằng Moskva không nên sử dụng các nguồn quỹ để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ, vận tải và nông nghiệp, đồng thời cũng cảnh báo các khoản hỗ trợ nếu có cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho thấy chính quyền đã chấp nhận hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tài chính. Thậm chính chính quyền cũng dự kiến sẽ hỗ trợ tài chính Ngân hàng Kinh tế Đối ngoại Phát triển, một ngân hàng do chính phủ chi phối và đang gặp nhiều khó khăn.
Tất cả các khoản hỗ trợ tài chính đều là các khoản hỗ trợ có hoàn lại. Tuy nhiên, do số tiền rút ra quá lớn sẽ tạo ra áp lực đối với các quỹ. Nếu các quỹ này hết tiền, hoặc sụp đổ, nước Nga sẽ không còn tài nguyên để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và đây là một “đòn đau” vào nền kinh tế nước này.