Theo nguồn tin, sau khi đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu với cam kết sẽ đưa “Châu Âu vĩ đại trở lại (MEGA)”, ông Orban đã đến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Sau đó, nhà lãnh đạo Hungary đã tới Nga, chuyến thăm gây ra làn sóng chỉ trích ở Kiev cũng như Brussels.
“Các quốc gia thành viên đã khó chịu với phương châm MEGA. Nhưng cuộc gặp của ông Orban với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ vĩnh viễn làm lu mờ nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary. Với cuộc gặp này, nhiệm kỳ chủ tịch sẽ kết thúc thậm chí trước khi nó thực sự bắt đầu”, tờ Politico dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên của EU cho biết.
Một nhà ngoại giao khác nói rằng có “sự phản đối chính trị rất rõ ràng” đối với ông Orban ở Brussels. Đồng thời, các đại sứ của khối đang thảo luận chính xác về những việc cần làm có thể gây sức ép với Hungary vào ngày 10/6.
Ông Daniel Hegedus, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Quỹ Marshall của Đức, lập luận rằng khối này “có thể tước quyền chủ tịch Hội đồng châu Âu của Hungary trong vòng vài tuần”. Ông cho rằng Brussels có thể chuyển giao sang nhiệm kỳ của Ba Lan từ ngày 1/9, cắt ngắn nhiệm kỳ của Hungary. Điều này đòi hỏi phải có ít nhất 4/5 phiếu thuận trong Hội đồng châu Âu.
Về phần mình, Thủ tướng Orban đã bác bỏ những chỉ trích trên, khẳng định ông chỉ đang thực hiện sứ mệnh hoà bình nhằm tìm ra lối thoát ngắn nhất cho xung đột Nga – Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary cũng tuyên bố ông không đại diện cho liên minh trong chuyến thăm Nga.
“Các cường quốc lớn hơn có thể chấm dứt xung đột, nhưng Hungary có thể là một công cụ tốt trong tay Chúa để thúc đẩy hòa bình”, ông Orban cho biết hôm 5/7 trên đài phát thanh quốc gia.
Hungary là một trong số ít thành viên EU chỉ trích việc khối này viện trợ cho Ukraine, đồng thời kêu gọi Brussels thúc đẩy hòa bình. Budapest đã ngăn cản các kế hoạch tài trợ cho vũ khí của Kiev, từ chối tham gia chương trình huấn luyện quân đội Ukraine và từ chối vận chuyển vũ khí và thiết bị tới Ukraine qua lãnh thổ nước này.