Tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot (ảnh) là một trong những thiết bị quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh RT của Liên bang Nga chiều 8/7 (giờ địa phương), trang tin Axios của Mỹ dẫn các nguồn thạo tin về cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nhà lãnh đạo Mỹ hứa sẽ gửi thêm tên lửa đánh chặn Patriot cho Ukraine, nhưng số lượng sẽ rất hạn chế.
Tuần trước, theo tờ Kyiv Independent, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell ngày 2/7 chính thức lên tiếng xác nhận một số gói viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị tạm dừng trong thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến hành rà soát việc cung cấp viện trợ nước ngoài.
“Cuộc rà soát năng lực này... được thực hiện nhằm đảm bảo viện trợ quân sự của Mỹ phù hợp với các ưu tiên quốc phòng của chúng ta... Chúng tôi coi đây là bước đi hợp lý, thực tế để thiết lập khuôn khổ đánh giá loại đạn dược nào sẽ được gửi đi và gửi đi đến đâu”, ông Parnell cho biết.
Tuy nhiên, vào ngày 7/7, theo RT, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Washington sẽ tiếp tục gửi “vũ khí phòng thủ” cho Kiev và người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell cũng xác nhận rằng, theo chỉ đạo của Tổng thống, Bộ Quốc phòng sẽ “gửi thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine”.
Tổng thống Trump không tiết lộ cụ thể loại vũ khí nào sẽ được chuyển giao hoặc số lượng là bao nhiêu, nhưng theo Axios, trong cuộc điện đàm với ông Zelensky hôm 4/7, Tổng thống Mỹ cho biết Washington sẽ lập tức gửi 10 tên lửa đánh chặn Patriot.
Mỗi tên lửa Patriot được cho là có giá khoảng 4 triệu USD, và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện sản xuất khoảng 500 quả mỗi năm. Theo quy trình phòng thủ của Mỹ, thông thường cần ít nhất hai tên lửa để bắn hạ một mục tiêu bay đến.
Tổng thống Trump cũng cam kết sẽ giúp Kiev tìm thêm các nguồn cung đạn dược khác. Ông được cho là đang gây áp lực buộc Đức đóng góp thêm vũ khí cho Kiev, bao gồm cả việc chuyển giao một hệ thống Patriot của Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, người được cho là đã đích thân ra lệnh tạm dừng viện trợ gần đây, được cho là đã xác định các hệ thống Patriot còn khả dụng tại Đức và Hy Lạp mà Mỹ có thể tài trợ và điều chuyển cho Ukraine.
Hiện chưa rõ khi nào số tên lửa được hứa sẽ được bàn giao hoặc liệu còn có thêm các đợt viện trợ khác hay không.
Cam kết mới nhất này, chỉ gồm 10 tên lửa đánh chặn, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump có xu hướng giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Khác với chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách đàm phán một lệnh ngừng bắn giữa Liên bang Nga và Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nối lại các cuộc đối thoại trực tiếp với Moskva (Moscow) và tìm kiếm những con đường khác để giải quyết cuộc xung đột.
Xem video Bộ Quốc phòng Liên bang Nga công bố ngày 22/5/2025 ghi lại cuộc tấn công nhằm vào một vị trí ở vùng Dnepropetrovsk của Ukraine đã tiêu diệt một radar đa chức năng AN/MPQ-65, một đơn vị điều khiển, cũng như hai bệ phóng Patriot . Nguồn: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga/RT
Trong khi đó, Moskva chỉ trích những tuyên bố mâu thuẫn từ Washington về việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra rằng Mỹ vẫn đang tiếp tục cung cấp vũ khí, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước châu Âu đặc biệt tích cực trong việc viện trợ vũ khí cho Kiev.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng những hành động như vậy không thúc đẩy hòa bình mà chỉ “kéo dài thêm sự thù địch”.
Trước đó, Liên bang Nga đã hoan nghênh những dấu hiệu cho thấy phương Tây giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin khi đó tuyên bố rằng việc ít vũ khí nước ngoài hơn có thể giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết xung đột. Tuy nhiên, ông Peskov cũng cảnh báo rằng còn quá sớm để kết luận xu hướng này sẽ tiếp tục.
Moskva luôn duy trì quan điểm rằng các chuyến hàng vũ khí từ nước ngoài tới Ukraine chỉ khiến cuộc chiến thêm đẫm máu mà không thay đổi kết cục tổng thể của cuộc xung đột.
Theo báo The New York Times của Mỹ, các hệ thống Patriot đầu tiên của Mỹ đã được chuyển đến Ukraine vào tháng 4/2023, nhưng đến đầu năm 2024, Ukraine đã bắt đầu gặp tình trạng thiếu tên lửa cho các hệ thống này.
The New York Times cho biết thêm vào tháng 5/2025, Ukraine có tám hệ thống Patriot nhưng chỉ sáu hệ thống đang hoạt động, hai hệ thống còn lại đang được bảo dưỡng hoặc sửa chữa định kỳ.