Australia ghi nhận ngày có số ca mắc COVID-19 cao chưa từng thấy

Ngày 10/9, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 1.900 ca. Sự lây lan của biến thể Delta trong đợt dịch thứ 3 này đang đe dọa mạnh mẽ những nỗ lực kiềm chế dịch của Canberra.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo, riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong 2 tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế. 

Mặc dù số ca mắc mới liên tục tăng cao, giới chức NSW ngày 9/9 thông báo các cơ sở kinh doanh tại Sydney có thể mở cửa trở lại ngay khi 70% người trưởng thành tại bang này hoàn thành tiêm chủng vaccine - mục tiêu mà nước này đề ra đạt được vào giữa tháng 10. Trên thực tế, đã có 76% người trên 16 tuổi ở NSW đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi số người đã tiêm đầy đủ 2 mũi đạt 44%. 

Bang Victoria ngày 10/9 có 334 ca nhiễm mới, mức cao thứ 2 kể từ đầu năm đến nay. Theo kế hoạch, thủ phủ Melbourne của bang này cũng sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% số người trưởng thành của thành phố được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, dự kiến vào ngày 23/9. 

Chính phủ liên bang Australia hồi tháng 7 đã công bố kế hoạch mở cửa đất nước gồm 4 giai đoạn khi đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 70 đến 80% dân số. Hiện tỷ lệ người tiêm chủng tại Australia vào khoảng 40%. 

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn một báo cáo nghiên cứu mới đây cho thấy hầu hết trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Australia là từ cha mẹ chứ không phải ở môi trường bên ngoài như trường học.

Trung tâm Giám sát và Nghiên cứu Tiêm chủng Quốc gia (NCIRS) Australia đã tiến hành nghiên cứu trên từ ngày 16/6 đến 31/7 tại 51 trường phổ thông và trung tâm chăm sóc trẻ em ở bang NSW.

Nghiên cứu cho thấy trẻ em hiếm khi lây virus sang cho các bạn, cho giáo viên hay các nhân viên trong trường. Theo bác sĩ nhi khoa Kristine Macartney, giám đốc NCIRS, tại các trường và trung tâm chăm sóc trẻ, virus thường lây lan giữa các nhân viên chưa tiêm chủng và có những trường hợp lây từ người lớn sang trẻ em, nhưng tỷ lệ lây nhiễm giữa trẻ em với nhau rất thấp.

Lây nhiễm SARS-CoV-2 chủ yếu xảy ra tại các gia đình do người lớn chưa được tiêm phòng gây ra. Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù số ca nhiễm trong các trường học ở bang NSW tăng gấp 5 lần trong đợt bùng phát hiện nay, nhưng chỉ có 2% trẻ em mắc bệnh phải nhập bệnh viện.

Giáo sư Macartney cho biết, các em được chẩn đoán mắc COVID-19 thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Mặt khác, trong số 2% phải nhập viện, nhiều em chỉ là để theo dõi và chăm sóc.

Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian trong tuần này nhấn mạnh tăng cường tiêm chủng cho người lớn, bao gồm giáo viên và nhân viên trong các trường, và lứa tuổi thanh thiếu niên, là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khi các em quay trở lại đi học. 

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố ngày 10/9 cho thấy chỉ tính riêng từ ngày 2-8/9 vừa qua, số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày ở học sinh từ bậc học mầm non đến trung học là 177 ca, cao hơn nhiều so với mức 160 ca ghi nhận từ giữa tháng 8. 

Theo bộ trên, ngày càng có nhiều học sinh phải tự cách ly ở nhà sau khi tiếp xúc với các trường hợp được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Sự lây lan này được xác định bắt đầu từ khi các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nối lại các lớp học trực tiếp vào cuối tháng 8 cho học kỳ thứ hai của năm. Tính đến ngày 6/9 vừa qua đã có 8.150 học sinh tiểu học, 5.204 trung học cơ sở và 7.252 học sinh trung học phổ thông đã bị cách ly, tăng lần lượt gấp 3 lần, gấp 4,5 lần và 4,9 lần so với số liệu được thống kê vào ngày 9/8.

Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một số phụ huynh kêu gọi việc nối lại các lớp học trực tuyến do hiện chỉ có học sinh trung học được tiêm chủng. Họ cho rằng sẽ rất khó để tất cả trẻ em tuân theo các quy tắc giãn cách xã hội cho dù giáo viên có cố gắng. Bởi trẻ nhỏ rất khó có thể nhớ và tuân theo các quy tắc, chẳng hạn như lúc nào cũng phải đeo khẩu trang... Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục lại cho rằng các bài học trực tiếp là cần thiết để khắc phục nhiều vấn đề xã hội nảy sinh trong thời kỳ đại dịch kéo dài như: khoảng cách nhận thức giữa các học sinh hoặc trẻ em không thành thạo các kỹ năng xã hội... Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng thể hiện lập trường kiên quyết rằng trẻ em cần các lớp học trực tiếp để phát triển học tập và quan hệ xã hội ngay cả ở những vùng thực hiện mức giãn cách xã hội cao nhất. Đồng thời bộ cũng kêu gọi sự cần thiết phải mở rộng diện tiêm chủng từ học sinh trung học phổ thông sang học sinh các cấp khác.

Cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan y tế Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch tiêm chủng trong quý IV sẽ bao gồm cả trẻ vị thành niên (từ 12 đến 17 tuổi). Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/8, Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong cho biết các cơ quan y tế Hàn Quốc đang có kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai và trẻ vị thành niên (từ 12 đến 17 tuổi) vào quý cuối năm.
Dự kiến Hàn Quốc sẽ sử dụng vaccine Pfizer hoặc Moderna để tiêm phòng cho phụ nữ mang thai trong khi trẻ vị thành niên sẽ được tiêm vaccine Pfizer.

Lan Phương - Nguyễn Minh - Anh Nguyên (TTXVN)
Hàn Quốc xem xét đặt mua thuốc điều trị COVID-19 dạng uống
Hàn Quốc xem xét đặt mua thuốc điều trị COVID-19 dạng uống

Ngày 10/9, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét việc mua trước các phương pháp điều trị COVID-19 từ nhiều công ty dược phẩm trên thế giới nhằm giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN