Ngày 23/3, Liên minh châu Phi (AU) đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Mali sau khi các binh sỹ nổi loạn tiến hành cuộc đảo chính quân sự chống chính phủ và làm cho đất nước rơi vào hoảng loạn. Tuyên bố của AU được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Hoà bình và An ninh AU (PSC) ở thủ đô Ađi Abêba của Êtiôpi. Tuyên bố nêu rõ cuộc đảo chính ở Mali diễn ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ngày 29/4, gây nguy hại nghiêm trọng cho tiến trình dân chủ ở nước này.
Theo quyết định của PSC, Mali phải ngừng tham gia mọi hoạt động của AU cho đến khi khôi phục trật tự hiến pháp có hiệu quả. PSC cũng yêu cầu các binh sỹ chấm dứt ngay việc cướp bóc và ngược đãi ở thủ đô Bamacô và các khu vực khác ở Mali.
Cùng ngày, AU cũng cho biết Tổng thống Mali Amadou Toumani Toure vẫn an toàn sau vụ binh biến.
Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cũng ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính tại Mali, nước thành viên ECOWAS. Một đoàn sĩ quan cấp cao của ECOWAS đến Mali tối 23/3 để theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại nước này. Các nước thành viên ECOWAS có kế hoạch gặp nhau tại Abigiăng (Cốt Đivoa) để thảo luận tình hình Mali sau cuộc đảo chính.
Binh sĩ binh biến trước trụ sở Đài truyền hình quốc gia ở Bamacô, ngày 22/3. Ảnh: THX/TTXVN. |
Trong khi đó, chính phủ Nam Phi đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính quân sự tại Mali. Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết Nam Phi cực lực phản đối mọi hành động nắm giữ quyền lực thông qua việc sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền hợp hiến do người dân Mali bầu ra. Nam Phi và các nước trong khu vực sẽ kiên quyết không công nhận tính hợp pháp của một thể chế nắm chính quyền thông qua các hành động trái với luật pháp quốc tế. Nam Phi đã quyết định đóng cửa Cơ quan đại diện ngoại giao tại Mali, đồng thời kêu gọi các thủ lĩnh lãnh đạo cuộc đảo chính nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ hợp pháp.
Cùng ngày 23/3, Mỹ cảnh báo rằng khoản viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 70 triệu USD của Mỹ dành cho Mali có nguy cơ không được thực hiện nếu những người làm đảo chính ở Mali không khôi phục chính quyền dân sự ở nước này.
Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Phi cũng quyết định ngừng các khoản viện trợ phát triển cho Mali.
Mặc dù nhiều nước và tổ chức trên thế giới lên án cuộc đảo chính ở Mali, tối 23/3, đụng độ vẫn tiếp tục xảy ra giữa các binh sỹ nổi loạn và quân lính trung thành với Tổng thống Toure ở gần khu vực phủ tổng thống. 50 binh sỹ nổi loạn bị đánh chặn khi tiến vào khu vực sân bay do lực lượng trung thành thành với Tổng thống kiểm soát.
TTXVN/Tin tức