Ápganixtan tiêu diệt các tay súng Taliban

Chiến lược của Mỹ ở Ápganixtan không thay đổi

Ngày 16/4, các lực lượng an ninh Ápganixtan đã giành lại quyền kiểm soát thủ đô Cabun, sau khi tiêu diệt toàn bộ các tay súng Taliban tham gia vụ tấn công được nhận định là "một trong những cuộc tấn công phối hợp lớn nhất nhằm vào Cabun trong một thập kỷ chiến tranh vừa qua".

Nguồn tin từ Bộ trưởng Nội vụ Ápganixtan Bismillah Mohammadi khẳng định, 36 tay súng phiến quân đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Có 8 cảnh sát và 3 dân thường thiệt mạng trong các vụ tấn công của phiến quân. Trước đó, Bộ Nội vụ Ápganixtan cho biết, Lực lượng cảnh sát quốc gia phối hợp với quân đội, được sự hậu thuẫn của liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu, đã tiến hành 11 đợt tấn công phiến quân ở Cabun và một số tỉnh khác trong 24 giờ qua.


Lực lượng an ninh Ápganixtan gác trước ngôi nhà mà Taliban sử dụng để thực hiện vụ tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc hội ở Cabun ngày 15/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Những kẻ đánh bom liều chết ngày 15/4 đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công liên hoàn trên khắp lãnh thổ Ápganixtan, hành động mà phát ngôn viên của phiến quân Taliban tuyên bố sau đó là "đánh dấu sự mở màn chiến dịch mùa Xuân" của lực lượng này. Các cuộc tấn công đã khiến thủ đô Cabun cùng ba tỉnh lân cận Paktia, Logar and Nangarhar ở miền đông - với mục tiêu chính là các đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản, cùng các căn cứ quân sự của lực lượng nước ngoài và quân đội Ápganixtan - rung chuyển.

Cùng ngày, lực lượng Taliban đã thề sẽ phát động các cuộc tấn công tương tự như loạt tấn công liên hoàn trên. Người phát ngôn Taliban, Zabihullah Mujahid, nói rằng các vụ tấn công nhằm trả đũa việc đốt Kinh Koran tại một căn cứ của NATO cũng như vụ thảm sát 17 dân thường Ápganixtan của một binh sĩ Mỹ.

Vụ tấn công hàng loạt của Taliban đã làm dấy lên mối lo ngại về tình hình an ninh bất ổn tại Ápganixtan, trong bối cảnh NATO chuẩn bị rút 130.000 binh sĩ liên quân vào cuối năm 2014 để chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh lại cho quân đội Ápganixtan.

Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai trong tuyên bố ra ngày 15/4 cho rằng, vụ tấn công liên hoàn của Taliban là một thất bại tình báo đối với các lực lượng an ninh Ápganixtan cũng như lực lượng NATO ở nước này. Người đứng đầu chính phủ Ápganixtan cũng đề nghị mở cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc này.
Theo chuyên gia Abdul Waheed Wafa, Giám đốc Trung tâm Ápganixtan thuộc Đại học Cabun, vụ tấn công liên hoàn của Taliban không phải là một bất ngờ đối với người dân Ápganixtan song lại khiến họ bị sốc bởi phạm vi và mức độ phối hợp trong hành động này.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ ngày 16/4 khẳng định, những hành vi liều lĩnh của Taliban không làm lung lay chiến lược của Mỹ ở Ápganixtan. Ngoài những lí do mà các quan chức này đưa ra như số thương vong trong các vụ tấn công ít và khả năng đối phó với các phần tử nổi dậy của các lực lượng Ápganixtan đã được cải thiện, thì có một thực tế là chính quyền Tổng thống Barack Obama không có lựa chọn nào khác trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến kéo dài suốt thập kỷ qua gây tổn thất lớn cả về người lẫn của. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho rằng các cuộc tấn công kiểu này cũng sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch rút quân của NATO.

Theo kế hoạch hiện nay, Tổng thống Obama sẽ rút toàn bộ 33.000 binh sỹ bổ sung mà ông đã điều đến chiến đấu với quân Taliban trong năm 2009 - 2010 vào khoảng tháng 10 tới và để lại khoảng 68.000 lính Mỹ, phần lớn trong số này sẽ rút về nước trong năm sau. Mỹ đã cam kết không lặp lại sai lầm như trong thập niên 1990 khi mà Ápganixtan rơi vào cuộc nội chiến, và dự kiến sẽ ký kết với Cabun một hiệp định cho phép một lực lượng nhỏ của Mỹ tiếp tục ở lại nước này đến năm 2015.

Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN