Anh thuộc nhóm đi đầu về xu hướng làm việc tại nhà

Quy mô của ngành dịch vụ chuyên nghiệp và thị trường lao động linh hoạt của Vương quốc Anh đang tạo nên sự khác biệt giữa nước này và hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác trong xu hướng làm việc tại nhà sau dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại London. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại London, nhiều tháng sau khi Anh dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, dữ liệu mới nhất cho thấy số lượng người đi làm vẫn thấp hơn gần 25% so với mức tháng 2/2020 trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Dữ liệu di động mới nhất của Google ngày 12/5 (thứ Năm, ngày cao điểm trong tuần làm việc tại văn phòng ở Anh) cho thấy số người đi làm vẫn thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch. Điều này nhìn chung không thay đổi kể từ tháng 9 năm ngoái, cho thấy xu hướng làm việc theo tiêu chuẩn mới tại Anh sau đại dịch.

Con số này cao hơn gấp đôi so với hầu hết các quốc gia châu Âu khác sử dụng dữ liệu tương đương. Tại Đức, số người đi làm chỉ giảm 7% so với mức trước đại dịch, trong khi dù con số này tại Mỹ và Canada gần tương đương với Anh nhưng số người đã quay trở lại văn phòng làm việc vẫn cao hơn.

Tờ Financial Times dẫn lời Giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford (Mỹ), Nick Bloom, cho biết Anh cùng với Mỹ đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt về số người sử dụng mô hình làm việc hybrid (kết hợp làm việc tại nhà và tại văn phòng), mặc dù làm việc tại nhà là "rất hiếm" trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Giáo sư Bloom cho biết sau đại dịch, người lao động có vẻ sẽ làm việc tại văn phòng trung bình 2-3 ngày/tuần và tại nhà 2-3 ngày/tuần.

Phó giáo sư về việc làm tại Đại học Southampton (Anh) và là tác giả của một nghiên cứu gần đây về cách thức làm việc, Jane Parry, cho biết đã có sự thay đổi tư duy lâu dài tại Anh về cách tổ chức công việc cho lực lượng lao động làm việc tại văn phòng sau khi Anh thực hiện phong tỏa phòng dịch COVID-19. Giáo sư Parry cho biết hầu hết những người được hỏi theo điều tra của nghiên cứu đều ủng hộ hình thức làm việc linh hoạt, trong đó nhiều người nói rằng làm việc tại nhà hiệu quả hơn nhờ giảm thời gian hàng ngày đến văn phòng.

Một khảo sát toàn cầu vào tháng 2 với 33.000 người tham gia do WFH Research thực hiện cho thấy Anh là quốc gia ghi nhận số ngày làm việc tại nhà được trả lương theo tuần cao nhất ở châu Âu. Theo khảo sát, so với người dân các nước châu Âu khác, người Anh tin rằng làm việc tại nhà hiệu quả hơn và Anh cũng có tỷ lệ cao nhất người lao động nói rằng họ sẽ nghỉ việc nếu bị buộc phải quay lại nơi làm việc toàn thời gian.

Nhà kinh tế học thuộc tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation (Anh), Jack Leslie, cho biết sự kết hợp của nhiều yếu tố đã góp phần vào thành công rõ ràng của mô hình làm việc hybrid, hoặc chỉ làm việc tại nhà, ở Anh, gồm một tỷ lệ lớn các công việc sử dụng máy tính. Ông Leslie cho rằng Anh là nền kinh tế dựa trên dịch vụ, vì vậy một tỷ lệ lớn việc làm có thể được thực hiện từ xa về lâu dài.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, khoảng 80% người lao động ở Anh làm việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, và gần 2/3 số người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và khoa học, làm việc tại nhà hoặc kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng. Con số này tại các ngành khác đạt trung bình 28%.

Thời gian và chi phí đi lại tại Anh nhìn chung cũng cao hơn các quốc gia khác, vì vậy là một yếu tố quan trọng tại thời điểm người dân Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế London, Christopher Pissarides, cho biết, một lý do khác khiến Anh trở thành ngoại lệ là nước này có thị trường lao động linh hoạt và ít bị điều tiết hơn so với các quốc gia châu  Âu khác. Ông Pissarides nhận định quy mô ngành dịch vụ của Anh khiến số người trở lại làm việc tại văn phòng ở Anh thấp hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác có tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất cao hơn, chỉ ra rằng sự khác biệt giữa Anh và một số nền kinh tế công nghiệp, như Đức và Italy, về số lượng người quay trở lại văn phòng làm việc hầu như không đổi trong vài tháng qua.

Freespace, dữ liệu theo dõi việc sử dụng văn phòng tại các công ty dịch vụ chuyên nghiệp lớn, cho thấy tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại Anh vào khoảng 30% trong tuần đầu tiên của tháng 5, chỉ bằng 50% so với trước đại dịch. Tỷ lệ trở lại văn phòng làm việc đặc biệt thấp ở London, nơi tập trung nhiều dịch vụ chuyên nghiệp hơn những khu vực khác của Anh. Dữ liệu mới nhất của Google cho thấy các chuyến đi đến nơi làm việc ở thủ đô vào đầu tháng 5 đã giảm hơn 30% so với mức trước đại dịch. Số liệu thống kê của dịch vụ giao thông công cộng Transport for London cũng cho thấy số lượng người đến các nhà ga trong thành phố vào thứ Năm cuối cùng của tháng 4 gần với mức cao nhất kể từ khi bắt đầu dịch COVID-19, song thấp hơn 42% so với mức trước đại dịch.

Chuyên gia kinh tế tại KPMG, Yael Selfin, cho biết thời gian và chi phí đi lại ở London nói chung cao hơn và một số người có thể vẫn lo ngại về việc sử dụng phương tiện công cộng- hình thức đi lại chính ở London- khi đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ông Pissarides tin rằng những thay đổi về công nghệ và tổ chức do người sử dụng lao động thực hiện để tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà đã mang lại thay đổi vĩnh viễn cho nhiều người lao động tại Anh, nhận định rằng phương thức làm việc hybrid sẽ trở thành xu hướng chính tại nước này.

Minh Hợp (TTXVN)
Xu hướng 'tuần làm việc 4 ngày' lan rộng khắp châu Á
Xu hướng 'tuần làm việc 4 ngày' lan rộng khắp châu Á

Nhiều công ty và chính phủ các nước châu Á đang cẩn trọng thử nghiệm ý tưởng "tuần làm việc 4 ngày" nhằm ngăn chặn tình trạng làm việc kéo dài trong nhiều giờ, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và năng suất lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN