Trong cuộc phỏng vấn mới đây với chương trình "Bữa sáng của BBC", mặc dù tuyên bố nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng Thủ tướng Anh cũng thận trọng cho rằng vẫn cần phải dự trù ngân sách cho nguy cơ thất bại. Tuyên bố này của Thủ tướng Johnson có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại, do nếu không đạt được một thỏa thuận, thì Anh sẽ bắt đầu giao dịch với EU trên cơ sở các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ tháng 1/2021, với nhiều loại thuế quan, thủ tục giấy tờ và dẫn đến tình trạng chậm trễ tại các cảng biển.
Trong suốt chiến dịch tranh cử hồi tháng 12/2019, ông Johnson luôn khẳng định khả năng không có thỏa thuận nào được ký kết là “hoàn toàn bằng 0”. Bản Tuyên ngôn của đảng Bảo thủ cũng đã loại trừ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp khi nó kết thúc vào cuối năm nay. Trong cuộc gặp với tân Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tuần trước, ông Johnson cũng đã một lần nữa nhắc lại điều này.
Về phần mình, bà Von der Leyen đã cảnh báo rằng khả năng ký kết thỏa thuận toàn diện với Anh chỉ trong 11 tháng sau Brexit là rất khó và hai bên nên xem xét việc gia hạn thời gian chuyển tiếp.
Ngày 20/12/2019, thỏa thuận Brexit mà Anh và EU ký kết hồi tháng 10 năm ngoái đã được thông qua tại Hạ viện Anh, mở đường cho Thủ tướng Anh Johnson hiện thực hóa cam kết hoàn thành Brexit đúng hạn vào ngày 31/1/2020. Theo thỏa thuận mà Thủ tướng Johnson đạt được với EU nhưng chưa được Quốc hội Anh thông qua, Anh có thể đề nghị gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thêm 1 đến 2 năm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson khẳng định sẽ không đề nghị gia hạn và đang chuẩn bị dự luật cấm một động thái như vậy. Trong trường hợp này, các nhà đàm phán sẽ chỉ còn 11 tháng để hoàn tất thỏa thuận thương mại, một nhiệm vụ mà giới chức hai bên đều cảnh báo là quá tham vọng. Nếu năm 2020 kết thúc mà không có thỏa thuận nào được hoàn tất, Anh sẽ kết thúc mối quan hệ với thị trường chung khổng lồ của EU mà không có thỏa thuận nào cho việc bảo vệ việc làm và thương mại song phương.