Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết "danh sách xanh" nói trên bao gồm 12 quốc gia và khu vực, trong đó có Bồ Đào Nha, Israel, Singapore, Australia và New Zealand, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5 tới. Ông Shapps nêu rõ nhà chức trách Anh vẫn tiến hành các thủ tục phù hợp để đảm bảo việc đi lại có thể diễn ra an toàn, người dân vẫn phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước và sau khi đến các điểm du lịch trong "danh sách xanh".
Theo Bộ trưởng Shapps, đây được xem là một bước đi "thăm dò" do vẫn còn lo ngại "nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại". Ông nhấn mạnh quyết định mới nhất của Chính phủ Anh là "một sự thận trọng cần thiết". Ông cho biết: "Chúng tôi phải đảm bảo rằng các quốc gia mà chúng tôi kết nối trở lại hiện đã an toàn"
Theo những điều chỉnh mới của Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives và Nepal bị liệt vào "danh sách đỏ". Điều này đồng nghĩa với việc những người từ các quốc gia này trở về Anh sẽ phải thực hiện cách ly tại khách sạn trong 10 ngày. Các quốc gia trong danh sách màu xanh, màu hổ phách và màu đỏ - tương đương các cấp độ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh - sẽ được xem xét lại 3 tuần/lần, kể từ ngày 17/5 tới.
Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 7/5, Anh ghi nhận thêm 2.490 bệnh nhân mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 4.431.043 người. Bên cạnh đó, nước này cũng có thêm 15 trường hợp tử vong, nâng tổng người không qua khỏi đại dịch lên 127.598 người. Tuy nhiên, những số liệu này chỉ tính đối với những ca tử vong trong vòng 28 ngày kể từ lần đầu cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm này, hơn 35 triệu người tại Anh đã được tiêm liều đầu tiên của vaccine ngừa COVID-19.
Cũng trong ngày 7/5, chiến dịch "marathon tiêm chủng" quy mô lớn nhất tại Romania đã được khởi động nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác tiêm phòng COVID-19 ở quốc gia này.
Sự kiện bắt đầu lúc 4h chiều 7/5 (theo giờ địa phương) và sẽ kéo dài đến 8h sáng 10/5 tại Trung tâm Hội nghị Palace Hall và Thư viện Quốc gia ở thủ đô Bucharest - nơi đã thiết lập lần lượt 40 và 10 phòng tiêm chủng. Với sự tham gia của khoảng 1.200 tình nguyện viên - trong đó bao gồm cả các bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa và người dân - cuộc "marathon tiêm chủng" sẽ kéo dài liên tục suốt ngày đêm trong thời gian nêu trên.
Phát biểu tại Palace Hall, Thủ tướng Florin Citu nêu rõ: “Chúng ta càng đẩy nhanh tiêm phòng, tiêm phòng đủ liều, thì chúng ta càng có thể sớm trở lại với cuộc sống bình thường, cuộc sống mà chúng ta đã có trước đại dịch”.
Trong khi đó, bà Viorel Jinga - Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Carol Davila ở Bucharest - cho biết cuộc marathon tiêm chủng là sự kiện được đông đảo người dân thủ đô hưởng ứng. Chỉ trong 2 giờ 30 phút kể từ khi sự kiện bắt đầu, đã có khoảng 1.500 người đã được tiêm phòng COVID-19.
Chiến dịch tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19 tại Romania được triển khai từ cuối tháng 12/2020. Theo thống kê chính thức, tính đến ngày 7/5 đã có 5.781.222 liều vaccine được tiêm cho 3.529.427 người tại Romania, trong đó 2.251.795 người đã tiêm đủ cả hai liều. Chính phủ Romania đặt mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người (khoảng 50% dân số) vào ngày 1/8 tới. Hiện nước này đang sử dụng các loại vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.