Anh cấp phép khai thác mỏ dầu ở Biển Bắc

Nhà chức trách Anh ngày 27/9 đã cho phép khai thác dầu mỏ và khí đốt tại mỏ Rosebank ở Biển Bắc, thuộc khu vực ngoài khơi Scotland, nhằm tăng cường an ninh năng lượng. 

Rosebank là khu mỏ chưa đi vào khai thác lớn nhất của Vương quốc Anh. Theo kế hoạch, công ty dầu khí Equinor của Na Uy và Ithaca Energy - một công ty con thuộc tập đoàn Delek của Israel - sẽ cùng đầu tư 3,8 tỷ USD để khai thác mỏ này. Equinor nắm 80% cổ phần trong dự án và Ithaca nắm phần còn lại.

Ông Gilad Myerson - Chủ tịch điều hành Ithaca Energy - cho biết: “Rosebank là mỏ chưa đi vào khai thác lớn nhất Vương quốc Anh. Dự án Rosebank sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm và góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của Vương quốc Anh trong nhiều năm tới”.

Quyết định khai thác mỏ Rosebank được đưa ra một tuần sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak nới lỏng các chính sách hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này. Cụ thể, lệnh cấm bán xe chạy xăng và dầu diesel sẽ được áp dụng vào năm 2035, muộn hơn thời điểm ấn định trước đó là năm 2030. Các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đối với các bất động sản cho thuê cũng được nới lỏng, theo đó lùi kế hoạch yêu cầu chủ nhà thay thế lò đốt gas bằng máy bơm nhiệt.

Chính phủ Anh cho biết nước này tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc tiếp tục sản xuất nhiên liệu hóa thạch nhằm ứng phó những ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine, cho dù việc này sẽ đẩy lùi mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon.

Trong một thông báo trên nền tảng mạng xã hội X, Thủ tướng Rishi Sunak nêu rõ: “Khi chúng tôi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chúng tôi vẫn sẽ cần dầu mỏ và khí đốt. Việc sử dụng nguồn cung cấp của chính chúng tôi như Rosebank là hợp lý. Đây là quyết định dài hạn đúng đắn đối với an ninh năng lượng của Vương quốc Anh”.

Thanh Phương  (TTXVN)
EU chờ đợi gì trong mùa Đông này sau khi 'quay lưng' với khí đốt Nga?
EU chờ đợi gì trong mùa Đông này sau khi 'quay lưng' với khí đốt Nga?

Thị trường năng lượng EU đối mặt với tình trạng hỗn loạn do cắt đứt quan hệ với khí đốt của Nga và đang hy vọng mùa Đông ấm áp sẽ tránh được giá khí đốt cao kỷ lục như năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN