Kênh Al Jazeera cho biết động thái này sẽ mở đường cho việc Ấn Độ nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nhiều ngân hàng Nga đã bị cắt khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), do vậy doanh nghiệp Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện và nhận thanh toán thương mại bởi chúng chủ yếu được xử lý bằng đồng USD.
Ngày 30/3, tờ Bloomberg (Mỹ) đưa tin rằng chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc đề xuất của Nga về việc sử dụng hệ thống do ngân hàng trung ương Nga phát triển để thanh toán song phương. Phía Nga đề xuất sử dụng Hệ thống truyền tin nhắn tài chính (SPFS) của nước này. Quyết định cuối cùng dự kiến được công bố sau chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Sergey Lavrov đến Ấn Độ.
Phạm vi của một cơ chế thanh toán dựa trên đồng nội tệ của hai nước được đánh giá không chỉ dừng lại ở vai trò duy trì thương mại mà còn đem đến khả năng cam kết sâu hơn.
Trong trường hợp cơ chế thanh toán rupee-ruble được áp dụng, các nhà nhập khẩu Ấn Độ sẽ chi trả tiền hàng hóa qua các tài khoản của ngân hàng Nga tại Ấn Độ do đó sẽ thanh toán bằng ruble cho các nhà xuất khẩu Nga.
Trong trường hợp cơ chế rupee-ruble được triển khai, các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng tỷ giá hối đoái được áp dụng sẽ do thị trường quyết định thay vì tỷ giá hối đoái cố định.
Các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng cơ chế rupee-ruble. Rào cản lớn nhất là quyết định về tỷ giá hối đoái với đồng ruble. Bên cạnh đó, ngay cả khi hai quốc gia thống nhất được về tỷ giá hối đoái thì thâm hụt thương mại sẽ tác động đến nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hàng hóa trị giá 3,3 tỷ USD đến Nga, chủ yếu là trà, cà phê... đồng thời nhập khẩu số hàng hóa trị giá 6,9 tỷ USD từ Nga, trong đó có vũ khí, phân bón, kim loại…