Ấn Độ và Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Tuyên bố sau khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Ấn Độ và Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương vốn là "động lực vì lợi ích toàn cầu". 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Haldia ngày 7/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tối 19/3, Bộ trưởng Austin đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thảo luận về các vấn đề quốc tế, khu vực và song phương cùng quan tâm. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay Thủ tướng Modi đã hoan nghênh mối quan hệ nồng ấm và gần gũi giữa hai nước, vốn bắt nguồn từ các giá trị chung và cam kết đối với một trật tự dựa trên luật lệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã có cuộc thảo luận rộng rãi với Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, trao đổi về hầu hết các vấn đề chủ chốt cùng quan tâm.

Theo một tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ, Bộ trưởng Austin đã nhắc lại cam kết liên tục của Washington trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và bày tỏ mong muốn mạnh mẽ nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương nhằm nhằm giải quyết những thách thức "cấp bách nhất" đặt ra cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực này và cả những nơi khác.

Dự kiến, Bộ trưởng Austin sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh trong ngày 20/3, dự kiến thảo luận về hợp tác chiến lược Ấn-Mỹ, các thương vụ quốc phòng và chuyển giao công nghệ, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Austin thăm Ấn Độ 3 ngày (từ ngày 19/3) và ông là bộ trưởng đầu tiên trong chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm cường quốc châu Á này. Trước đó, ông đã cùng Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến công du châu Á của hai quan chức đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ mang ý nghĩa quan trọng vì diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ Tứ (QUAD). Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cam kết nỗ lực xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ, không bị hạn chế bởi các hành vi cưỡng ép.

Mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tháng 6/2016, Mỹ xác định Ấn Độ là "đối tác quốc phòng lớn". Hai nước đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng và an ninh quan trọng trong vài năm qua, bao gồm Biên bản Thỏa thuận Trao đổi hậu cần (LEMOA) năm 2016, Thỏa thuận về an ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) năm 2018 và Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) nhằm tạo điều kiện cho hai nước chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, hậu cần và bản đồ không gian địa lý.

Huy Lê (TTXVN)
Lý do Anh chuyển hướng can dự tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi rời EU
Lý do Anh chuyển hướng can dự tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi rời EU

Ngày 16/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố bản Đánh giá Tích hợp về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và ngoại giao của Vương quốc Anh. Bản Đánh giá tích hợp này được cho là định hướng chiến lược quan trọng nhất của Vương quốc Anh trong thập kỷ tới, đồng thời xác định tầm nhìn của Nước Anh toàn cầu thời kỳ hậu Brexit.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN