Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định Trung Quốc và Ấn Độ đã vượt qua Mỹ trong việc tác động đến giá dầu trong những năm gần đây.
Ấn Độ và Trung Quốc đều nằm trong những quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Chỉ hai quốc gia này đã chiếm tới 1/5 sản lượng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Nhu cầu tiêu thụ dầu không ngừng gia tăng tại cả Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dữ liệu của công ty dầu mỏ và khí đốt BP có trụ sở tại Anh, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc đã tăng 5,5%/năm. Còn tại Ấn Độ, nhu cầu về dầu mỏ đã tăng 5,1%/năm từ năm 2008.
Trong khi đó, nhu cầu về dầu mỏ của Mỹ chỉ tăng ở mức 0,5%/năm trong thập niên qua. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất trên thế giới với 20 triệu thùng/ngày. Gần đây, Mỹ với tư cách là nhà tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới cũng trở thành nhà sản xuất dầu đứng đầu. Điều này khiến Mỹ có thể tự chủ động với nhu cầu trong nước đồng thời gây thách thức với các “ông lớn” sản xuất dầu khác như Saudi Arabia.
Kênh RT (Nga) cho biết cũng có lý do khác khiến Trung Quốc và Ấn Độ là hai cái tên cần đặc biệt chú ý trên thị trường dầu mỏ đó là cả hai quốc gia này đều phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Tại Trung Quốc, lượng dầu nhập khẩu chiếm tới 70% tổng dầu tiêu thụ. Ở Ấn Độ, con số thậm chí cao hơn và chiếm tới hơn 80%.
Năm 2018, mức tiêu thụ dầu mỏ bình quân ngày tại Trung Quốc là 13,5 triệu thùng còn Ấn Độ đạt 5,1 triệu thùng. Chính điều này khiến tin tức về kinh tế tại Trung Quốc, Ấn Độ thường có tác động trực tiếp lên giá dầu.
Như vậy, về nguồn cung dầu mỏ thì Mỹ, OPEC và Nga là những cái tên cần quan tâm. Còn đối với nguồn tiêu thụ dầu mỏ thì Trung Quốc và Ấn Độ là hai “đối tượng” hàng đầu. Bất cứ điều gì xảy ra với nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc đều ảnh hưởng lập tức đến giá dầu mỏ. Ví dụ như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trong thời gian qua khiến giá “vàng đen” có phần ảm đạm bất chấp việc OPEC+ chấp nhận cắt giảm sản lượng.