Theo thông báo trên, thuế đánh vào dầu cọ thô sẽ giảm từ 40% xuống 37,5%, còn thuế đối với dầu cọ tinh chế sẽ được giảm từ 50% xuống còn 45%. Trong khi đó, thuế nhập khẩu dầu đậu nành và dầu hướng dương được giữ nguyên.
Động thái trên sẽ khiến nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ tăng lên trong những tháng tới do việc cắt giảm thuế sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giữa dầu thực vật được chiết xuất từ các loại cây nhiệt đới như dừa, dầu hạt cọ và các “đối thủ” như dầu đậu nành và dầu hướng dương.
B.V. Mehta, Giám đốc điều hành Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA), có trụ sở tại Mumbai, cho biết nhập khẩu dầu cọ tinh chế dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới do chênh lệch thuế giữa dầu cọ thô và dầu cọ tinh chế được thu hẹp còn 7,5%, so với mức 10% trước đó.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nhiều hơn có thể hỗ trợ cho giá dầu cọ Malaysia, vốn đã tăng 44% trong năm 2019.
Các nhà máy tinh lọc cho biết việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu dầu cọ sẽ được áp dụng đối với tất cả dầu cọ nhập khẩu, giữa lúc Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu dầu cọ từ hai nước ASEAN là Indonesia và Malaysia.
Theo số liệu của SEA, 70% lượng dầu ăn tiêu thụ tại Ấn Độ là được nhập khẩu, so với mức 44% trong tài khóa 2001-2002, trong đó dầu cọ chiếm gần 2/3 trong khoảng 15 triệu tấn dầu ăn nhập khẩu vào Ấn Độ.