Vaccine nói trên mang tên COVAXIN, do công ty tư nhân Bharat Biotech phối hợp với ICMR nghiên cứu và bào chế.
Phát biểu ngày 5/11 tại trụ sở ICMR ở New Delhi, ông Kant, cũng là một thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của ICMR, cho biết: "COVAXIN đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả tốt". Nếu được ra mắt vào tháng 2 năm sau, đây sẽ là vaccine đầu tiên do Ấn Độ tự sản xuất.
Với 8,36 triệu ca nhiễm, trong đó 124.354 ca tử vong, Ấn Độ hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới (sau Mỹ). Ngày 5/11, nước này ghi nhận 50.201 ca nhiễm mới và 704 ca tử vong.
Ông Kant, người đang đứng đầu bộ phận quản lý, nghiên cứu, lên kế hoạch và điều phối của ICMR, cho biết Bộ Y tế sẽ là cơ quan quyết định liệu COVAXIN có thể được tiêm cho người dân trước khi kết thúc các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hay không. Theo ông, vaccine này đã chứng tỏ độ an toàn và hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, cũng như các nghiên cứu tiền lâm sàng, vì vậy vaccine này an toàn. Tuy nhiên, không thể đảm bảo 100% nếu các thử nghiệm giai đoạn 3 chưa kết thúc. Ông nói: "Vẫn có thể có một số nguy cơ, nếu bạn chấp nhận nguy cơ thì có thể tiêm vaccine. Nếu cần, chính phủ có thể cân nhắc việc tiêm vaccine này trong trường hợp khẩn cấp".
Trước đó, tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan cho biết chính phủ đang cân nhắc cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vaccine, đặc biệt là đối với người cao tuổi và người lao động ở những nơi có nguy cơ cao.
Hiện có một số ứng cử viên vaccine hàng đầu đang trong các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Một vaccine thử nghiệm do công ty AstraZeneca của Anh - Thụy Điển bào chế được đánh giá là tiềm năng thi nhất. Anh hy vọng sẽ cho ra mắt vaccine này vào cuối tháng 12 tới hoặc đầu năm 2021. AstraZeneca đã ký nhiều thỏa thuận cung cấp và sản xuất với các công ty và chính phủ trên khắp thế giới, trong đó có Viện Serum của Ấn Độ. Các vaccine ở giai đoạn thử nghiệm cuối khác gồm vaccine của công ty Moderna, của Pfizer Inc với đối tác BioNTech SE và của hãng Johnson & Johnson.
Trong một diễn biến khác, Uzbekistan thông báo ý định tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vaccine của Nga và Trung Quốc, đồng thời cho biết không có kế hoạch áp đặt một lệnh phong tỏa nào nữa, bất chấp thực tế là số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang không ngừng tăng.
Ngày 5/11, Thứ trưởng Y tế Uzbekistan, ông Shakhrukh Sharakhmetov cho biết nước này hiện đang đàm phán với hai công ty của Trung Quốc là công ty dược sinh học Anhui Zhifei Longcom (một đơn vị của Chongqing Zhifei) và công ty Sinopharm về việc tiến hành các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 loại vaccine do hai công ty này bào chế. Trong khi đó, các quan chức Uzbekistan cũng đang có các cuộc đàm phán tương tự đối với vaccine Sputnik V của Nga.
Uzbekistan đã phải hai lần phong tỏa toàn quốc trong năm nay nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Chính phủ nước này đã lập quỹ chống dịch trị giá 1 tỷ USD để xây dựng các bệnh viện chuyên khoa, mua thuốc men và trang thiết bị, vật tư y tế như máy thở, bồi dưỡng thêm chuyên môn cho nhân viên y tế. Hơn 100 triệu USD đã được dành để khen thưởng đặc biệt cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chốn dịch.
Theo thống kê, hiện Uzbekistan hiện có hơn 67.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó 575 người đã tử vong.