Ai nằm trong diện nhận séc 1.400 USD từ gói kích thích của Tổng thống Biden?

Ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc Thượng viện nhanh chóng hành động nhằm bật đèn xanh cho gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD, còn được gọi là Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, đã được Hạ viện thông qua trước đó.

Chú thích ảnh
Tổng thống Joe Biden trong cuộc thảo luận Kế hoạch Giải cứu người Mỹ 1.900 tỷ USD với các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2/2021. Ảnh: Getty Images

Theo đài Sputnik, ngày 25/2, các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua Kế hoạch Giải cứu người Mỹ. Đặc biệt, gói cứu trợ bằng séc trị giá 1.400 USD sẽ được trao cho hầu hết những người dân nộp thuế Mỹ và người phụ thuộc.

Cụ thể, những cá nhân có tổng thu nhập đã điều chỉnh dưới 75.000 USD/năm và các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD nằm trong diện nhận được khoản séc 1.400 USD/người và thêm 1.400 USD nữa cho mỗi người phụ thuộc.

“Điều đó có nghĩa là một gia đình 4 người đủ điều kiện sẽ nhận được 5.600 USD”, CNBC nêu rõ những người có tổng thu nhập hơn 100.000 USD/năm và các cặp vợ chồng có thu nhập trên 200.000 USD sẽ không nhận được gói hỗ trợ lần 3 này.

Với điều kiện được đặt ra, thêm 26 triệu người ở Mỹ sẽ nằm trong diện nhận séc 1.400 USD của gói kích thích, bao gồm sinh viên đại học được cho là là người phụ thuộc vào thuế của cha mẹ, cũng như những người khuyết tật và nhóm người cao tuổi.

Vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể người dân nhận được séc vì sau khi được Quốc hội thông qua, dự luật cứu trợ cần qua tay tổng thống ký.

Sau đó, Sở Thuế vụ Liên bang sẽ phân phối các khoản tiền kích thích thông qua tiền gửi trực tiếp, séc gửi qua thư và thẻ ghi nợ trả trước. Nếu gói cứu trợ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 3, người Mỹ có thể bắt đầu nhận khoản tiền hỗ trợ vào đầu tháng 4.

Bên cạnh những tấm séc hỗ trợ người dân đóng thuế, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden còn bao gồm các khoản thêm cho trợ cấp thất nghiệp đến hết tháng 8, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như phân bổ 75 tỷ USD cho chương trình tiêm chủng và điều trị COVID-19.

Gọi cứu trợ bao gồm các nội dung chính như sau: chi trả 1.400 USD cho một cá nhân và một khoản tương tự cho mỗi người phụ thuộc; Trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần áp dụng tới ngày 29/8 và có thể gia hạn; Chi 20 tỷ USD cho chương trình phân bổ vaccine COVID-19 và 50 tỷ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết virus SARS-CoV-2; Chi 350 tỷ USD cứu trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương; Chi 25 tỷ USD để hỗ trợ người thuê nhà trả phí; Chi 170 tỷ USD để hỗ trợ sinh viên và giúp các trường học từ cấp mẫu giáo (K) cho tới lớp 12 mở lại trường học; Đặc biệt, gói cứu trợ của Hạ viện Mỹ có cả điều khoản nâng lương tối thiểu của người lao động liên bang lên 15 USD/giờ, song điều khoản này nhiều khả năng sẽ bị chặn tại Thượng viện.

Dự luật nay sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để gói cứu trợ được thông qua và gửi lên Tổng thống Biden ký ban hành. Bà bày tỏ hy vọng gói cứu trợ sẽ hoàn tất quá trình phê chuẩn tại lưỡng viện trước này 14/3.

Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc thông qua gói kích thích kinh tế
Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc thông qua gói kích thích kinh tế

Ngày 19/1, bà Janet Yellen, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính, đã lên tiếng hối thúc quốc hội nước này thông qua gói kích thích mới khi đà phục hồi của nền kinh tế mất động lực do số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN