Đây là kết quả nghiên cứu của Hiệp hội học thuật Y học khẩn cấp và Chăm sóc đặc biệt Đức, Đại học kỹ thuật Berlin và bộ phận nghiên cứu WIdO của tập đoàn bảo hiểm y tế AOK công bố ngày 29/7.
Các tác giả nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 10.000 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại 930 bệnh viện của Đức từ ngày 26/2 – 19/4 vừa qua. Kết quả cho thấy bệnh nhân nam có tỷ lệ tử vong cao hơn bệnh nhân nữ, lần lượt là 25% và 19%. Nghiên cứu cũng cho thấy 1.727 trong số 10.021 bệnh nhân phải thở máy. Tương tự như tỷ lệ tử vong theo giới tính, số bệnh nhân nam phải thở máy cao gần gấp đôi so với số bệnh nhân nữ. Những bệnh nhân cao tuổi hơn cũng có nguy cơ tử vong cao hơn. Cụ thể, 27% số bệnh nhân ở độ tuổi khoảng 70 tuổi và 38% số bệnh nhân trên 80 tuổi tử vong do COVID-19.
Cũng theo nghiên cứu, những bệnh nhân COVID-19 nằm viện điều trị trung bình 14 ngày. Những người không cần thở máy nằm viện trung bình 12 ngày trong khi những bệnh nhân nặng cần trợ thở phải nằm viện tới 25 ngày. Cứ 100 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 thì sẽ cần 240 ngày trợ thở. Các tác giả nghiên cứu lưu ý những con số này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị trước làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Giám đốc WIdO Juergen Klauber cho biết nghiên cứu trên rõ ràng cho thấy số bệnh nhân nặng được điều trị tại các bệnh viện khá cao, đồng thời cảnh báo các giai đoạn bệnh trở nặng như vậy chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, người có sức khỏe yếu, nhưng cũng cả ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Từ đó, ông Klauber hối thúc người dân tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh COVID-19.