Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên TPP tới tham dự lễ ký kết ở Auckland, New Zealand ngày 3/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn của Trung Quốc Tân Hoa Xã vừa có bài phân tích nhận định rằng thắng lợi vang dội của ứng cử viên Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa và Bernie Sanders thuộc đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang New Hampshire hôm 9/2 khiến con đường để Quốc hội Mỹ tiến tới phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay “lắm chông gai hơn” với việc bùng nổ xu hướng bài thương mại tự do trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một thời gian dài bị coi là các ứng cử viên đứng ngoài cuộc chơi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua, hai ông Trump và Sanders đã kịch liệt chỉ trích TPP giữa Mỹ và 11 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Sanders, Thượng nghị sĩ độc lập đến từ bang Vermont, một người kiên trì phản đối tự do thương mại quốc tế, đã tuyên bố sẽ không ký, đưa "thỏa thuận thương mại tự do thảm họa" này thành luật nếu được bầu làm Tổng thống của nước Mỹ. Phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại tòa thị chính ở New Hampshire hôm 3/2, ông Sanders nói: "Tôi cho rằng đây là một sự tiếp nối các chính sách thương mại tồi. Tổng thống ủng hộ nó, nhưng tôi nhất quyết không ủng hộ". Theo ông, TPP chủ yếu có lợi cho các tập đoàn và có thể "đẩy người lao động Mỹ ra ngoài đường".
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ của ông Sanders trong cuộc đua giành quyền đề cử của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, cũng tái khẳng định hồi tuần trước rằng bà sẽ không ủng hộ TPP và sẽ tìm cách thay đổi hiệp định thương mại này nếu đắc cử. Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hôm 4/2, bà Clinton nêu rõ: "Tôi không ủng hộ hiệp định (với các điều khoản như hiện nay). Có những thay đổi mà nếu làm được, tôi tin rằng sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự". Trước đó, bà Clinton đã bày tỏ sự không tin tưởng rằng TPP (vừa đạt được) sẽ đáp ứng được "tiêu chuẩn cao" của bà trong việc tạo công ăn việc làm tốt cho người Mỹ, cũng như cải thiện tiền lương và thúc đẩy an ninh quốc gia. Bà cũng cho rằng hiệp định thương mại này không thể giải quyết được tình trạng thao túng tiền tệ cũng như việc phân phối dược phẩm.
Bên phía đảng Cộng hòa, cả tỷ phú bất động sản Donald Trump và ông Ted Cruz, Thượng nghị sĩ bảo thủ đến từ bang Texas và là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa, đều công khai phản đối hiệp định TPP. Còn Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đại diện cho bang Florida, người được dư luận rộng rãi trong nội bộ đảng Cộng hòa coi là ứng cử viên thay thế tiềm năng cho các ông Trump và Cruz, đã tuyên bố chỉ tiết lộ sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận thương mại này theo hướng nào sau ngày 18/5 tới hoặc thậm chí muộn hơn. Việc ông Rubio từ chối đưa ra lập trường vững chắc về TPP phản ánh thực tế rằng cử tri Mỹ không hào hứng với thương mại tự do trong mùa bầu cử sơ bộ.
Trong cuộc họp kín tại Nhà Trắng vào tuần trước, Tổng thống Barack Obama đã thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell về TPP, nhưng không đạt được thỏa thuận về thời điểm chính xác Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về hiệp định thương mại này. Trong khi chính quyền Obama hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP càng sớm càng tốt, thì ông McConnell đã nhắc lại rằng chính quyền không nên đệ trình thỏa thuận thương mại này lên Quốc hội để bỏ phiếu trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, ông McConnell nhấn mạnh: "Với việc cả hai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và một số ứng cử viên tổng thống trong đảng chúng tôi (Cộng hòa) phản đối thỏa thuận này, lời khuyên của tôi là chúng ta không nên cố gắng đưa thỏa thuận này ra bỏ phiếu tại Quốc hội, chắc chắn là trước cuộc bầu cử", đồng thời chỉ rõ thỏa thuận này có một số khiếm khuyết cần được giải quyết. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng dự đoán rằng hiệp định TPP sẽ không thu được đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để được thông qua.
Đa số các tổ chức kinh tế có ảnh hưởng tại Mỹ, trong đó có Phòng Thương mại Mỹ (USCC), Hiệp hội Các nhà chế tạo Mỹ và Hội Bàn tròn Doanh nghiệp Mỹ, đã bày tỏ sự thất vọng về một số điều khoản trong lĩnh vực thuốc lá, dược phẩm và các thể chế tài chính được quy định trong hiệp định đã được các bộ trưởng của 12 nước thành viên chính thức ký kết tại Auckland (New Zealand) hôm 4/2 sau hơn 5 năm đàm phán.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch, người đặc biệt quan ngại về các điều khoản liên quan đến thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sinh dược, đã đánh tín hiệu rằng TPP có thể sẽ phải đối mặt với sự trì hoãn lâu dài từ khi ký kết đến lúc được Quốc hội nước này phê chuẩn. Ông Hath cũng lưu ý rằng các hiệp định thương mại tự do của Mỹ với Colombia, Panama và Hàn Quốc chỉ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn sau hơn 4 năm kể từ khi ký kết.