TDự án đặt mái che lên tới 600 triệu USD cho Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King tiếp đà câu chuyện được bàn luận nhiều năm nay trên các sân đấu Grand Slam, giữ nếp cũ, một giải đấu ngoài trời, thuận theo tự nhiên hay “đóng gói” các trận đấu trong một sân vận động kín như bưng.
Mỹ mở rộng thức thời
Ngày 13/8 vừa qua, Liên đoàn quần vợt Mỹ khai trương hệ thống mái che di động đắt đỏ cho sân trung tâm Arthur Ashe; sau 3 năm dự án được thông qua. Loạt cảm biến được gắn trên nóc mái cùng với hệ thống máy tính phát hiện ra các hiện tượng thời tiết bất thường và tự động đóng mái che kịp thời. Theo thiết kế, chỉ mất chưa đầy 6 phút là mái che đi động có diện tích gần 6.000 m2 sẽ được đóng lại. Khi đóng mái, hệ thống đèn LED được kích hoạt, cũng như hệ thống điều hòa không khí bao trùm toàn không gian.
Pháp mở rộng là Grand Slam duy nhất đến nay còn chưa có mái che. |
Tuy nhiên, khi ra mắt, hệ thống này gặp chút trục trặc và đóng mái muộn mất tới 8 phút. Tiếp đó, khi huyền thoại quần vợt Billie Jean King ấn nút mở mái, thì hệ thống không hoạt động. Phải mất đến 3 lần thử mở và cho đến khi ông King phải kêu lên “Hãy trả lại ánh sáng cho sân”, thì mái che mới mở dần ra.
Xét về chi phí, mái che của sân chính này trị giá 150 triệu USD, trên tổng số 600 triệu USD của dự án “che mưa” cho các mặt sân khu liên hợp. Sẽ có thêm hơn 8.000 chỗ ngồi tại sân chính. Cùng với đó là rất nhiều mặt sân được làm lại, tăng sức chứa, mở rộng lối đi... Dự kiến, sân mới Louis Armstrong cũng sẽ được trang bị mái che di động phục vụ cho giải Mỹ mở rộng năm 2018 sau khi được phá đi xây lại vào cuối mùa giải năm nay.
Liên đoàn quần vợt Mỹ đã phải chờ đợi từ rất lâu để thực hiện điều họ ấp ủ. Năm 2003, theo bản nghiên cứu của cơ quan này, thì việc lắp mái che di động cho sân quần vợt lớn nhất thế giới gần 24.000 chỗ ngồi là hợp lý. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, dự án gặp vướng mắc về nguồn vốn, thiết kế và các yếu tố kỹ thuật khi sân nằm giữa vùng đất trũng. Mười năm sau, tức là năm 2013, các khâu giấy tờ của dự án mới được hoàn tất.
Thông thường, Mỹ mở rộng cũng không vào những ngày có lượng mưa lớn. Tuy nhiên, ở một giải đấu kéo dài liên tục trong 14 ngày, mái che đi động là khâu chuẩn bị cần thiết. Các giải đấu thường đón mưa nhiều nhất là Pháp mở rộng vào mùa xuân và Wimbledon vào mùa hè thì cho đến nay, Wimbledon đã có mái ở sân chính còn Pháp mở rộng vẫn một mình một phía, nói không với mái che.
Pháp mở rộng vẫn kiên cường
Trong 4 giải Grand Slam, hiện chỉ còn Pháp là chưa lắp đặt hệ thống mái che di động. Australia mở rộng thì đã có mái che từ lâu và không chỉ một, mà tới 3 mặt sân có mái là Rod Laver Arena, Margaret Court Arena và HiSense Arena. Vấn đề với Australia không phải là mưa, mà là sức nóng quá lớn (có khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C) ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của các tay vợt cũng như khán giả của giải. Đỉnh điểm là mùa giải năm 2014, khi ấy Australia mở rộng gặp cơn nóng khủng khiếp, các tay vợt phải thi đấu trong điều kiện khắc nghiệt liên tục chườm đá lạnh, những cậu bé nhặt bóng ngất xỉu, các chai nước chảy nhựa trên mặt sân và đỉnh điểm là kỷ lục Grand Slam với 9 tay vợt phải xin bỏ cuộc ngay vòng 1 đánh đơn.
Mái che sân Arthur Ashe đang dần được đóng lại trong ngày giới thiệu với người hâm mộ ngày 1/ 8 vừa qua. |
Mỹ mở rộng và Wimbledon đã có mái che một sân chính và tiến tới sẽ trở thành hai giải đấu có mái che ở 2 sân chính. Sau sân trung tâm của tổ hợp thể thao All England Clup được lắp mái che di động năm 2009, tới đây, sân số 1 của Wimbledon sẽ được sửa lại để trở thành sân thứ 2 có mái che di động tại giải đấu này. Dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2019 trong một dự án cải tạo lại sân bãi. Hai mặt sân chính này cũng sẽ được tăng cường sức chứa lên thêm 900 ghế nữa.
Trong khi đó, Pháp mở rộng vẫn đắn đo với dự án lắp mái che cho mặt sân chính Philippe Chatrier vào năm 2019. Phải đến khi trưởng ban tổ chức giải đấu, ông Guy Forget khẩn thiết đề nghị lắp ngay mái sân trung tâm vì thời tiết quá khắc nghiệt ảnh hưởng đến thi đấu thì việc lắp mái che di động của Pháp mở rộng mới tạm được thông qua. Kế hoạch xây dựng một mái che tại Roland Garros đã bị sa lầy trong sự chậm trễ bởi sự phản đối của cư dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường. Trong khi đó với các nhà quản lý, họ cần một sân đấu hiện đại hơn để giữ chân những khán giả mắc mưa.
Không hài lòng người thua cuộc
Hoãn các trận đấu được xem là một trong những yếu tố chính khiến các tay vợt đang dẫn trước bị lội ngược dòng ở Pháp mở rộng. Thông thường, các trận đấu phải đợi 3 tiếng nếu không ngớt mưa thì mới bị báo hoãn. Ở Pháp mở rộng năm nay, rất nhiều tay vợt nữ đều phải ít nhất 1 lần dời lịch thi đấu và những cái tên Stosur, Halep, Agnieszka Radwanska, Tsvetana Pironkova và cả Serena Williams đều phải ra về sau khi trận đấu được tiếp tục.
Đầu năm nay, Roger Federer cũng phải bực bội vì Australia đóng mái che trong trận bán kết đơn nam gặp Novak Djokovic. Tại giải đấu anh nhận được rất nhiều cổ vũ như Australia mở rộng thì Federer có lợi thế tâm lý hơn hẳn Djokovic. Thế nhưng, Novak Djokovic đã lấy lại được bình tĩnh ở séc đấu thứ ba khi mái che thay vì chỉ mất 2 phút để đóng lại mất tới 10 phút khiến hai tay vợt phải chờ đợi. Dưới điều kiện có mái che, Djokovic nhanh chóng lấy lại sức mạnh và thắng ngược Federer ở bán kết.
Trong khi đó, năm 2013, Murray đã có lần “nổi đóa” với trọng tài tại Wimbledon khi không dưng đòi dừng trận đấu để đóng mái che vì trời quá tối, không đủ điều kiện thi đấu. Trận đấu với tay vợt Jerzy Janowicz này sau đó phải kéo dài tới 4 séc và hẳn tay vợt nào thì cũng sợ phải thi đấu dài khiến cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt khi ấy, nếu thắng, tay vợt số 1 nước Anh phải gặp Novak Djokovic. Đó là chưa kể khả năng nhỏ các tay vợt có thể lấy đà hưng phấn để thắng ngược.
Đó là chưa kể mái che chỉ được trang bị ở một vài mặt sân chính là nơi trình diễn của các tay vợt tốp đầu trong khi các tay vợt hạng dưới vẫn phải chịu tác động bởi thời tiết xấu, buộc họ phải nỗ lực nhiều hơn.
Mái che hay không đã đang dần có câu trả lời khi các giải Grand Slam đều sắp có mái che, ở ba, hai hoặc một sân đấu. Tuy nhiên việc sử dụng chúng thế nào trong các hoàn cảnh cụ thể sẽ tiếp tục gây ra sự tranh cãi.