Khi "Vua” vỡ òa trên ngôi vô địch
Hình ảnh đáng nhớ nhất của Nadal trong mỗi trận chung kết là màn ăn mừng nằm sân quen thuộc từ khi còn là một tay vợt chưa danh tiếng cho tới lúc được người hâm mộ đặt ngôi "Vua".
Trước trận chung kết, Nadal mới chỉ để thua 1 séc đấu tại giải trước David Goffin ở vòng 3. Sự tự tin từ khi vô địch giải đấu tiền Pháp mở rộng là Rome Masters giúp tay vợt người Tây Ban Nha nhanh chóng chiến thắng ở các vòng đấu. Đáng chú ý nhất trên hành trình đến với ngôi vô địch, Nadal vượt qua Federer ở vòng bán kết nhanh chóng với 3 séc thắng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 Nadal mới có thể thắng nhanh như vậy trước Federer.
Trong khi đó, hạt giống số 4 người Áo Dominic Thiem trải qua trận đấu quá vất vả với Djokovic ở bán kết. Trận đấu không chỉ kéo dài tới 5 séc mà còn bị gián đoạn tới 3 lần vì mưa làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi đấu của Thiem.
Một tình huống bóng đáng chú ý ở séc 1 của trận đấu được đăng tải trên trang Twitter của Roland Garros:
Vì lẽ đó, việc ông "Vua" nay đã 33 tuổi chiến thắng Dominic Thiem sau 4 séc (6-3, 5-7, 6-1, 6-1) trong trận chung kết là không khó đoán. Một séc đấu thi đấu kém hiệu quả của Nadal khiến Thiem có được chiến thắng ngáng đường có lẽ cũng chỉ khiến trận chung kết trên sân Philippe Chatrier thêm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu xem một trận chung kết dài hơn của các cổ động viên mà thôi.
Pha đánh dọc dây kinh điển giúp Nadal tiến rất gần đến ngôi vô địch ở séc đấu thứ 4 (clip đăng tải trên trang Twitter của Roland Garros):
Phát biểu sau trận đấu, Nadal chia sẻ: “Tôi đã thi đấu ở đây từ năm 2005 - chưa bao giờ tôi từng nghĩ mình lại có thể tiếp tục thi đấu ở đây đến tận năm 2019 như bây giờ. Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu và rất đặc biệt với tôi.
Với Dominic, anh là một tấm gương rõ ràng nhất về sự nỗ lực của một tay vợt, anh chan hòa và tốt bụng. Cảm ơn anh đã truyền cảm hứng cho tôi và cho nhiều bạn trẻ khắp thế giới
Tôi hiểu việc để thua ở trận chung kết là điều rất khó chấp nhận nhưng đó là thể thao. Nếu phải thua ở trận chung kết, tôi muốn thua anh vì anh xứng đáng chiến thắng - và anh chắc chắn sẽ chiến thắng ở một mùa giải khác.
Cảm ơn mọi người đã làm nên Roland Garros, giải đấu tuyệt vời nhất thế giới.
Cảm ơn ban huấn luyện, gia đình. Chỉ mới cách đây ít ngày, chúng ta còn không chắc liệu tôi có thể thi đấu được hay không, mọi người đều biết việc có thể thi đấu ở Pháp mở rộng có ý nghĩa thế nào với tôi. Cảm ơn đã luôn ủng hộ, động viên tôi.
Cảm ơn Nhà vua Tây Ban Nha đã đến ủng hộ tôi.
Không thể diễn tả hết cảm xúc được nâng chiếc cúp lần thứ 12. Hy vọng tôi lại có thể trở lại vào năm sau.”
Kết quả ở trận chung kết Roland Garros 2019 tiếp tục tạo khoảng cách rất lớn giữa hai tay vợt được mệnh danh là "Ông Vua sân đất nện" và "Hoàng tử sân đất nện":
Một năm tưởng như kém may mắn của Nadal đã không xảy ra. Sau khi thua Djokovic ở trận chung kết Australia mở rộng 2019, Nadal đã lại có thêm một danh hiệu Grand Slam đưa vào bảng thành tích của mình.
Với Dominic Thiem, lần thứ 2 liên tiếp thua ở chung kết trước Nadal, anh xứng đáng với danh hiệu “Hoàng tử sân đất nện”.
Thành tích chưa từng có
"Ông Vua trên mặt sân đất nện" trở thành tay vợt đầu tiên - cả ở nội dung đơn nam và đơn nữ - vô địch lần thứ 12 trở lên, vượt qua kỷ lục 11 lần vô địch tại Australia mở rộng của huyền thoại quần vợt nữ Margaret Court. Cùng với đó là hàng loạt kỷ lục khác mà "Bò tót" đạt được sau trận chung kết này.
Không một tay vợt nào trong lịch sử quần vợt thế giới có thể thắng ở một giải đấu nhiều lần như Nadal. Không ai từng thành công trên một mặt sân nhiều như tay vợt người Tây Ban Nha làm được trên sân đất nện.
12 lần đăng quang Pháp mở rộng của Nadal:
Quan trọng hơn cả, thắng giải này, tay vợt xứ Mallorcan chỉ còn cách số Grand Slam của Federer có 2 danh hiệu nữa (Federer 20 Grand Slam - Nadal 18 Grand Slam). Và như nhìn nhận của giới chuyên môn, cuộc rượt đuổi thành tích của Nadal 33 tuổi và Federer 36 tuổi vẫn còn tiếp tục.
Bảng thành tích của Nadal
- Sinh ngày 3/6/1986 (tuổi: 33), tại Manacor, Mallorca (Tây Ban Nha)
Các danh hiệu Grand Slam (18):
- Australian mở rộng (2009)
- Pháp mở rộng (2005, 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2017, 2018, 2019)
- Wimbledon (2008, 2010)
- U.S. Open (2010, 2013, 2017)
- Nadal giành tất cả 18 danh hiệu Grand Slam trong tổng số 25 lần vào tới trận chung kết. Anh còn cách Roger Federer 2 danh hiệu Grand Slam nữa.
- Chiến thắng ở giải đấu năm nay giúp Nadal lần thứ 12 vô địch giải quần vợt Pháp mở rộng, thành tích toàn thắng trong 12 lần vào tới chung kết giải đấu này.
- Năm 2004 đánh bại tay vợt số 2 thế giới Andy Roddick để giúp Tây Ban Nha vô địch giải quần vợt đồng đội Davis Cup. Anh tiếp tục cùng đội tuyển quần vợt quốc gia thắng giải đấu này vào các năm 2008, 2009 và 2011.
- Vô địch Pháp mở rộng đầu tiên năm 2005.
- Năm 2007, anh trở thành tay vợt đầu tiên sau Bjorn Borg năm 1980 lập hat-trick vô địch Roland Garros.
- Vô địch Wimbledon đầu tiên năm 2008 bằng trận đấu 5 séc với Federer, trận đấu được xếp vào danh sách các trận đấu xuất sắc nhất trong lịch sử quần vợt.
- Năm 2008, Nadal vô địch đơn nam tại Olympic Bắc Kinh. Năm 2016, Nadal vô địch đôi nam cùng Marc Lopez tại Olympic Rio.
- Nadal có trận thua đầu tiên tại Pháp mở rộng năm 2009 trước Robin Soderling (Thụy Điển) ở vòng 4.
- Năm 2010, Nadal trở lại với chức vô địch Pháp mở rộng, cũng là đánh thắng Robin Soderling ở trận chung kết. Cũng trong năm này, anh lần đầu tiên vô địch Mỹ mở rộng, trở thành tay vợt thứ 7 thắng ở cả 4 Grand Slam.
- Cán mốc 6 lần vô địch Pháp mở rộng của Bjorn Borg năm 2011 và vượt qua thành tích của tay vợt Thụy Điển năm 2012.
- Trở thành tay vợt nam đầu tiên 8 lần vô địch ở cùng một giải Grand Slam khi đánh bại David Ferrer tại chung kết Roland Garros năm 2013. Cũng trong năm này, anh đồng thời vô địch Mỹ mở rộng.
- Năm 2014, trở thành tay vợt nam đầu tiên 5 lần liên tiếp vô địch Pháp mở rộng.
- Năm 2019, 12 lần vô địch Pháp mở rộng và có được danh hiệu Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp.
Pháp mở rộng cũng tự phá kỷ lục
Theo thống kê của ban tổ chức, Pháp mở rộng 2019 đạt con số kỷ lục 520.000 khán giả đến sân xem các trận đấu toàn giải. Tuy nhiên, những cơn mưa cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến khán giả của giải đấu. Thứ “đặc sản” của Roland Garros làm cho nhiều khán giả phải ra về trong tiếc nuối, đặc biệt là khi không thể theo dõi liền mạch các trận đấu quan trọng.
Một số hình ảnh bên lề trận chung kết của giải đấu: