Ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất
Ấp Thành Sơn, xã Thành Trung, huyện Bình Tân nằm dọc theo con sông lớn. Liên tục những ngày qua, nước ngập tràn qua đường dân sinh, tràn vào các nhà dân. Dự đoán được con nước lên cao, hầu hết các nhà dân đều đã thuê xáng cạp xúc đất, be bờ, dùng gạch xây xung quanh nhà, trước sân. Tuy nhiên do nước lên quá cao nên các bờ bao “dã chiến” không thể ngăn nước tràn vào.
Đang tất bật chuẩn bị các bao đất để tấn ở bờ sông, hạn chế nước tràn qua đường vào nhà thì trời mưa lớn, gia đình bà Châu Thị Kim Anh phải vận hành máy bơm để bơm nước trong sân ra sông. Dù nỗ lực bơm, tát nhưng nước thủy triều lên kết hợp với mưa lớn nên không lâu sau sân và nhà bà Kim Anh đã ngập sâu trong nước.
Bà Châu Thị Kim Anh cho biết: Nhà nào cũng chuẩn bị be bờ nhưng năm nay nước lên cao quá nên các nhà đều bị ngập. Mấy ngày qua, bà con ở đây cũng vất vả với triều cường. Nước cứ lên cao thì người lo bơm nước bằng máy ra bên sông, người thì dùng thau để tát nước ra khỏi nhà. Nhà cửa ngập lên láng không thể sinh hoạt được.
Trong đợt triều cường này, nước dâng cao đã gây hư hỏng, sạt lở một số đoạn đường dân sinh tại xã Thành Trung, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn gây ngập sâu, nguy cơ thiệt hại nhiều vườn cây ăn trái của người dân.
Hơn 1 ha đất trồng chanh của ông Lê Ngọc Thêm hai ngày qua đã ngâm trong nước. Hiện tại, vườn chanh đang cho trái nhưng do nước ngập gần tới ngọn cây nên khó có khả năng thu hoạch và tái tạo lại vườn. Ông Lê Ngọc Thêm lo lắng cho biết: Biết thông tin triều cường cao, ông đã chuẩn bị hai máy bơm, ngày nào cũng bơm nước ra. Nhưng hai ngày nay, đường dân sinh bị sạt lở, nước tràn vào ngập cả vườn. Ông Thêm mong muốn địa phương hỗ trợ cùng bà con ở đây khắc phục đoạn sạt lở để nước không còn tràn vào.
Cạnh đó, hơn 4.000 m2 mít của ông Nguyễn Văn Mèo cũng ngập trong nước. Nhiều cây mít rất sai quả nhưng do ngập nhiều ngày liền nên nguy cơ thiệt hại rất cao. Ông Nguyễn Văn Mèo cho biết, nghe thông tin triều cường, ông và nhiều hộ xung quanh cùng be bờ, chuẩn bị máy bơm để bơm tát không để nước đọng lâu trong vườn. Tuy nhiên, hiện tại do đường dân sinh bị sạt lở, nước tràn vào quá nhiều nên không thể xử lý được.
Tại xã Tân Bình, huyện Bình Tân, dù đã có đê bao bảo vệ. Tuy nhiên, con nước năm nay dâng cao cũng đã vượt qua đê tràn vào khu vực rẫy và vườn cây ăn trái của người dân. Nhiều vườn nhãn, mít, sầu riêng của người dân bị ngập nước. Hơn 12.000 m2 đất trồng mít, rau màu của gia đình bà Huỳnh Thị Tư, xã Tân Bình đang có nguy cơ bị thiệt hại. Nước tràn trong mấy ngày qua đã làm ngập vườn mít và các liếp đậu. Riêng hẹ, rau và củ cải thì chìm sâu trong nước. Bà Huỳnh Thị Tư cho biết: Mấy ngày đầu nước ngập, bà có dùng máy bơm để bơm nước ra. Hai ngày nay nước dâng cao hơn 0,5 m, ruộng rẫy ngâm luôn trong nước nên tôi phải đem máy bơm lên cất luôn, không bơm tát gì được.
Nỗ lực ứng phó với triều cường
Triều cường tại tỉnh Vĩnh Long trong các ngày qua dâng cao và vượt mức lịch sử năm 2019. Dù đã được cảnh báo từ trước và triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, nước lên quá cao, gây nhiều khó khăn cho công tác ứng phó. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thành Trung Lê Văn Toàn cho biết, những ngày qua, trên địa bàn xã xảy ra 5 đoạn sạt lở; trong đó đã khắc phục 4 đoạn, còn 1 đoạn đang nỗ lực gia cố. Qua thống kê sơ bộ, diện tích cây ăn trái, rau màu bị ảnh hưởng, có nguy cơ thiệt hại là trên 22 ha. Trước tình hình nước dâng cao, địa phương đã vận động người dân tự dùng máy bơm khắc phục, đồng thời cử lực lượng hỗ trợ gia cố các điểm sạt lở và các điểm có nguy cơ.
Ông Lê Văn Toàn cho biết thêm: Trước đó, địa phương đã rà soát tất cả các đê bao trên địa bàn; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tự gia cố. Trong đợt triều cường này, bà con đã tự huy động máy bơm, be bờ để bảo vệ hoa màu và cây ăn trái, Tuy nhiên do các tuyến đê bao đã cũ và xuống cấp kết hợp triều cường dâng cao nên bị vỡ và nước tràn gây ngập nhà cửa, ruộng, vườn. UBND xã đang nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở này, cố gắng để hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 13/10, triều cường đã làm ngập khoảng 250 ha lúa Thu Đông, trên 90 ha rau màu và gần 150 ha cây ăn trái của người dân; tập trung chủ yếu ở huyện Bình Tân, Tam Bình và Long Hồ. Đồng thời, có 35 tuyến bờ bao bị tràn, 26 đoạn bờ bao và 8 đập bị lở. Triều cường cũng làm ngập hơn 500 căn nhà, 1 ao nuôi ba ba và 68 ao cá. Ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1,5 tỷ đồng thiệt hại do sạt lở và 500 triệu đồng thiệt hại về thủy sản.
Hiện nay, triều cường đang có xu hướng giảm dần. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ bám địa bàn xung yếu để hỗ trợ người dân khắc phục; huy động lực lượng, vật tư tại chỗ tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng. Theo đó, các công trình hư hỏng lớn như cống, đập, các tuyến ven sông lớn chủ yếu sử dụng cơ giới, phần còn lại huy động nhân dân thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, các địa phương cũng khẩn trương nắm tình hình, thống kê thiệt hại của người dân để hỗ trợ phục hồi, khắc phục kịp thời; tích cực triển khai các giải pháp chuẩn bị ứng phó với các con nước triều cường sắp tới.