Việc tổ chức đối thoại để giúp cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh tâm huyết của nông dân đối với các chủ trương, chính sách giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.
Tại buổi đối thoại, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, trong năm 2022, đề án cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Trên lĩnh vực trồng trọt đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, diện tích gieo trồng, sản lượng và năng suất bình quân lúa cả 3 vụ sản xuất năm 2022 đều giảm so với năm 2021, diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn trái tăng 58 % so với năm trước; diện tích cây màu giảm 15%; diện tích cây lâu năm tăng 9,5%, trong đó 3 cây có tốc độ tăng mạnh nhất hiện nay là mít, cam sành và sầu riêng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển đổi cơ cấu và thực hiện phát triển đàn vật nuôi chủ lực của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc, tiếp tục duy trì các trang trại chăn nuôi có quy mô sản xuất lớn, có hiệu quả. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, xử lý nhanh gọn, không để lây lan diện rộng.
Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 2.200 ha và tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng là 130.700 tấn, đều tăng so với năm 2021. Đáng chú ý là diện tích nuôi cá tra công nghiệp đang phục hồi.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,4%, đến nay toàn tỉnh đã có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 69/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24/69 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Chương trình OCOP "Mỗi xã một sản phẩm" đã đạt nhiều kết quả tích cực với 107 sản phẩm đạt chuẩn 3, 4 sao.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Thiên tai diễn biến khó lường; chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, giá thức ăn tăng; tổ chức sản xuất vẫn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết sản xuất và tiêu thụ…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, giải đáp nhiều vấn đề nông dân đặt ra, trong đó tập trung 6 nhóm vấn đề gồm: Giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản; chuyển đổi cây trồng và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư thủy lợi và hạ tầng nông thôn; những vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường nông thôn; định phát triển nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm OCOP; thúc đẩy liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, phát huy vai trò của Hợp tác xã và thu hút đầu tư.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng, đối với giải pháp giúp nông dân an tâm sản xuất trước tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao trong khi đầu ra của nông sản còn nhiều khó khăn, tránh điệp khúc "được mùa mất giá", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… và hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, giảm giá thành sản xuất.
Các sở ngành chức năng kịp thời thông tin về nhu cầu, định hướng thị trường nông sản đến người sản xuất, kinh doanh. Riêng về cây khoai lang - sản phẩm chủ lực của địa phương, ngành nông nghiệp cần mở rộng việc cấp, quản lý mã số vùng trồng chặt chẽ và chủ động phối hợp mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đến tận vùng nguyên liệu để tìm hiểu, trao đổi, hợp tác.
Đối với vấn đề chuyển đổi cây trồng và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương cần thông báo công khai kế hoạch và có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo địa bàn phụ trách. Người dân phải trực tiếp liên hệ với Ủy ban nhân dân xã để được hướng dẫn đăng ký chuyển đổi cho phù hợp, hạn chế tình trạng chuyển đổi tràn lan, không theo quy hoạch. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì triển khai thực hiện, nhất là các nội dung chính sách hỗ trợ đã được tỉnh ban hành, sớm đưa Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào thực tế, hỗ trợ cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Về định hướng chiến lược phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hoá, hỗ trợ tín dụng, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm… Đồng thời, nâng cao nhận thức để người sản xuất phải có những cam kết về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và không ngừng đổi mới công nghệ nâng cấp chất lượng sản phẩm…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhận định, thời gian qua, các loại hình thiên tai như sạt lở, giông lốc, triều cường… xuất hiện với cường độ, tần suất ngày càng khó lường. Do đó, các ngành, các địa phương cần phải chủ động thích ứng, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình để giảm chi phí, đồng thời quan tâm, kịp thời ứng phó các tình huống thiên tai để giảm thiểu các thiệt hại cho người dân.